Giải thích câu tục ngữ Xui nguyên giục bịngắn gọn
Hướng dẫn
Câu thành ngữ chỉ việc xúi bẩy, kích động cả hai bên kiện cáo nhau.
Chuyện kể:
Một hôm, hai người hàng xóm xích mích nhau chỉ vì việc giáp ranh nhà đất. Người nào cũng cho mình phải nên hễ trông thấy nhau là cãi nhau. Khi họ đang trong cơn giận thì một ông quan mới cho người nhà mình đến lân la hỏi chuyện một người, rồi húi vào:
– Ông cứ làm đơn kiện lên quan, gì chứ nhà ấy sai là cái chắc. Kiểu này thì nó mất nhà chứ chẳng chơi.
Người này nghe theo mới làm đơn kiện, hy vọng phần thắng thuộc về mình. Ông ta đến quan nhờ phân xét, không quên sắm mấy thứ lễ vật đáng giá biếu quan.
Quan bảo: “Việc như thế mà trước đây không trình quan, ngươi cứ để đấy ta xét”. Người đâm đơn đi kiện ra về, hy vọng vào món quà biếu quan, quan sẽ nghĩ đến rồi xử cho thắng cuộc.
Hôm sau, người nhà quan lại đến nhà người bị kiện nói:
– Này, có đơn người ta kiện ông, ông mau đến quan để trình bày trước đi, nhớ mang theo cái gì để làm quan vừa lòng. Quái sao họ đã sai lại còn đâm đơn đi kiện là sao.
Người bị kiện liền lên quan kêu oan và không quên mua sắm chút lễ vật. Quan lại bảo: “Cứ để đấy ta xem xét”.
Mấy ngày sau, không thấy động tĩnh gì, người đâm đơn kiện lại làm cái lễ nữa lên quan, mong quan phán xét.
Quan nhìn lễ vật bảo: “Việc ngươi kiện là phải, nhưng việc phân xử đâu chỉ có ta với mi”. Về nhà, người đâm đơn kiện mới gọi người hàng xóm kia ra mắng chửi. Người bị kiện tức quá lại làm cái lễ lên quan. Quan gật đầu nói:
– Nó đã sai lại còn chửi càn. Thôi ngươi cứ về đi việc này đâu chỉ có ta và ngươi.
Cứ hết ngày này qua tháng khác, kẻ đi kiện, người bị kiện chốc chốc lại lên bẩm quan nhờ xử kiện. Cứ động một tý lại sắm lễ vật lên quan, thành thử ai cũng tưởng nắm phần thắng về mình.
Rồi đến một hôm, nghe tin quan được bổ lên làm quan to hơn, hai người lại lên quan, gặp nhau ở đấy. Quan xoa tay bảo:
– Ta được bổ đi rồi, nhường lại cho quan khác thay ta giải quyết tiếp việc của các ngươi.
Nhìn cảnh nhà đã bán sạch để làm lễ nót tay cho quan, lại mất bao thời giờ đi kiện cáo kêu oan, hai người cùng thốt lên: “Đồ xui nguyên giục bị”.
Kẻ nguyên đơn và bị đơn đều đi đến khuynh gia bại sản, đã thế lại còn mâu thuẫn hiểu lầm nhau, ấy là do có kẻ “xui nguyên giục bị”. Những kẻ làm việc “đòn xóc hai đầu” ấy luôn gây mâu thuẫn, làm mất đoàn kết giữa người này với người khác.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh – NXB Thông tấn
Theo Hocsinhgioi.com