Giải thích câu tục ngữ Trộm cắp như rươi ngắn gọn
Hướng dẫn
Để diễn tả tình trạng nhiều trộm cắp gây mất trật tự an toàn xã hội, trong tiếng Việt người ta hay dùng thành ngữ trộm cắp như rươi.
Trộm cắp như rươi đó là tình cảnh của một xã hội loạn lạc, rối ren khi mà bộ máy chính quyền không còn đủ sức làm chủ tình hình được nữa, mặc sức để cho bọn trộm cắp hoành hành. Câu thành ngữ trên là nói về bọn đầu trộm đuôi cướp nói chung, cho nên còn có các biến thể khác như trộm cắp như rươi, kẻ cắp như rươi hoặc cướp đường như rươi.
Trong thành ngữ này, rươi là một loài giun đất, có nhiều chân, cơ thể có rất nhiều lông tơ, do gốc rạ mục sinh ra vào mùa thu, ở những chân ruộng nước lợ. Vào mùa rươi, rươi nhiều vô kể đến nỗi bà con nông dân có thể bắt rươi về làm mắm ăn. Vì rươi nhiều như vậy nên trong tiếng Việt, rươi thường được ví với những gì thật đông, thật nhiều, song chủ yếu lại được ví với bọn người bất hảo, bất lương có thể gây ra những tai hoạ bất ngờ cho con người. Tóm lại rươi thường được ví với bọn người xấu đối lập với người lương thiện. Điều đó khiến rươi khác với kiến trong thành ngữ đông như kiến, vốn được dùng để làm đối chứng cho so sánh số lượng người đông đúc, thành đoàn, thành lũ mà không có nét nghĩa đánh giá những người đó tốt hay xấu, lương thiện hay bất lương…
Theo Hocsinhgioi.com