Đề bài: Phân tích bài bếp lửa của Bằng Việt để thấy vẻ đẹp lặng thầm của người phụ nữ Việt Nam. Bài làm văn của một học sinh lớp 9 trường THCS Chương Xá.
Bếp lửa là bài thơ đầu tay của Bằng Việt, bài thơ được sáng tác khi nhà thơ đang học trường luật tại Nga. Những ký ức khi tác giả còn ở với bà dội về từ hình ảnh “bếp lửa”. Bài thơ không đơn thần nói về tình bà cháu cao cả mà thẳm sâu trong đó ta thấy được hình ảnh người phụ nữ Việt Nam âm thầm, lặng lẽ đầy xúc động.
Tình cảm bà cháu trong bài thơ là tình cảm có thực, được cất lên từ những ký ức của người cháu bên bà. Đó là thứ tình cảm đẹp như trong cổ tích.
Những câu thơ đầu tiên với hình ảnh bếp lửa: chơi vơi, ấm iu là những hình ảnh khơi dòng cảm xúc để tác giả nhớ về những năm tháng sống bên bà:
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc, ngựa gầy
Kỷ niệm về thời thơ ấu rất xa, đó là thời cả nước chung những nỗi khó khăn, vất vả. Hình ảnh của những tháng năm chống Mĩ gian khổ được khắc họa qua “đói mòn đói mỏi”… khó khăn kéo dài đến mỏi mòn, kiệt sức.
Từ những ký ức tuổi thơ khi ngồi bên bếp lửa “khói hun nhèm mắt chau”, từ trong mịt mờ của tuổi nhi đồng khi đất nước có chiến tranh, tác giả nhớ về bà:
Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
…………………………………………
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa
Tám năm ròng, con số không lớn nhưng kéo dài, ròn rã nặng nề. Bà nhóm lửa hàng ngày. Bố và ẹm công tác xa, tình cảm nuôi lớn cháu chính là tình cảm được sống bên bà. Người cháu nhớ lại hình ảnh bà là nhớ lại những “câu chuyện ở Huế” bà từng kể, nhớ “ bà dạy cháu làm bà chăm cháu học”… Đó là một người bà cần mẫn chăm sóc tỉ mỉ đứa cháu thay mẹ cha, thứ tình cảm đó không hề đơn giản. Một cuộc sống khó nhọc và hiểm nguy trong chiến tranh là cuộc sống chung của nhân dân ta trong những năm chống Mĩ. Nên hình ảnh bà chịu thương, chịu khó, lo lắng dạy bảo cháu là hình ảnh chung của người bà, người mẹ trong chiến tranh.
Người phụ nữ trong bài thơ được nhắc đến với sự cao cả, bằng kỷ niệm ùa về trong ký ức chau. Lời của bà từ khi cháu còn nhỏ vẫn vang lại theo dòng cảm xúc:
Bố ở chiến khu bố còn việc bố
Mày có đi xa chớ kể này kể nọ
Cứ bảo ở nhà vẫn được bình yên
Câu nói của bà là lời dặn dò cẩn trọng với cháu, bà hiểu cháu và hiểu nỗi lòng của những người con đang chiến đấu ở nơi xa. Trong khi bị giặc đốt làng “cháy tàn cháy rụi”, cuộc sống của hai bà cháu dường như khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng bà không hề than vãn, không hề bực bội, ngược lại với những cảm xúc ấy là sự bình yên, vững vàng trong tâm trí. Sự căn dặn cháu lại tạo nên phẩm chất đôn hậu ở bà- Một con người cam chịu hi sinh, một hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.
Vẻ đẹp thầm lặng của bà còn sống dậy trong những câu thơ viết về phẩm chất cao đẹp:
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi…
Hình ảnh bà là người phụ nữ tần tảo, nắng mưa, miệt mài qua từng năm tháng. Sự thầm lặng được minh chứng bằng thời gian “ mấy chục năm rồi” như vậy. Bà làm những công việc sưởi ấm lên tình cảm cho người cháu, giúp cho cháu cảm nhận được hết sự yêu thương, chia sẻ, những tâm tình… công việc của bà là thiên chức của những người phụ nữ. Sự “thiêng liêng” mà người cháu cảm nhận được là do có người phụ nữ như bà hàng ngày lo toan và nhóm lên từ bếp lửa.
Bài thơ là tình cảm bà cháu, những kỷ niệm bên bà được vọng lại khi người cháu đã đi xa, chứng kiến “ khói trăm tàu”, “ niềm vui trăm ngả”. Hình ảnh người bà là hình ảnh sâu đậm trong bài thơ, là những ngợi ca về người phụ nữ thầm lặng trong những cuộc chiến đấu và trong cả cuộc đời. Vì vậy mà Bằng Việt có được một bài thơ hết sức thành công như Bếp lửa.
Nguồn: Kênh văn mẫu
Ứng dụng VĂN MẪU TỔNG HỢP trên điện thoại với hơn 30k bài văn mẫu hay nhất, giải bài tập SGK, soạn văn đầy đủ chi tiết. Hãy tải App ngay để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn nhé!
Nếu thấy bài viết hay, hãy động viên và chia sẻ ban biên tập! Các bình luận không phù hợp sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.