Phân tích bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương
Được mệnh danh là bà chúa thơ Nôm, Hồ Xuân Hương đã cho ra đời rất nhiều bài thơ hay và nổi tiếng với những chủ đề khác nhau. Tuy nhiên, bà dành rất nhiều thời gian và tâm huyết lấy nguồn cảm hứng sáng tác từ đề tài tình yêu và hạnh phúc gia đình. Bài thơ Tự tình II là một trong những tác phẩm nổi bật của bà trong chùm thơ Tự Tình viết về người phụ nữ trong chế độ xã hội xưa.
Bài thơ được mở ra bằng những dòng cảm xúc đầy tâm trạng:
“ Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non”
Trong không gian tĩnh mịch, bao trùm giữa màn đêm vắng vẻ, bao trùm lấy cả khung cảnh và con người, càng khiến cho nhân vật trong thơ của Hồ Xuân hương trở nên nhỏ bé, đơn độc. Văng vẳng đâu đó là tiếng “ trống canh dồn” phá tan bầu không khí lặng im như tờ, nhịp thơ dần trở nên vội vàng, hối hả khiến cho lòng thi nhân càng trở nên bồn chồn, gấp gáp. Những nỗi nhớ mong của người vợ lại càng được đẩy lên tột cùng trong không gian ấy. Từ “ trơ” càng thể hiện sự chai lỳ mọi cảm xúc trước sóng gió, chia ly. Xót xa hơn cả là hai chữ “ hồng nhan”, người đời thường nói “ hồng nhan bạc phận”. Chữ hồng nhan dành cho cuộc đời của một người phụ nữ, đang phải chịu cảnh chia lìa, xa cách với người thương, người chồng của mình càng trở nên cay đắng, thương xót. Từng chữ, từng nhịp thơ như ghim chặt vào lòng người đọc những cảm giác tiếc nuối, bẽ bàng cho cuộc đời người con gái ấy. Thế nhưng, từ “ trơ” đó được sánh đôi cùng “ nước non” vẫn thể hiện được sự kiên trì, bền bỉ chịu đựng của nhân vật trữ tình ấy, tựa như “ bi nhưng không lụy”.
Hai câu thơ thực tiếp theo càng gợi tả rõ nét hơn tâm trạng của nhân vật:
“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”
Chẳng phải ngẫu nhiên,người đời trong nhân thế lại luôn tìm đến chén rượu để giải sầu cho quên bớt sự đời. Tiếc thay, rượu say rồi sẽ tỉnh, mộng đến rồi cũng tàn, những nỗi sầu hiện tại sẽ vẫn còn hiện hữu trong tâm tưởng. Phía trên bầu trời đêm tĩnh mịch, là “ vầng trăng bóng xế” nghĩa là đêm đã gần tàn, trăng chưa tròn nhưng trăng đã sắp tàn. Hạnh phúc còn chưa được đong đầy đã phải vơi bị xém nửa. Vầng trăng ấy còn tựa như cuộc đời của người con gái ấy, chỉ mới qua được bao nhiêu thanh xuân mà đã phải chịu cảnh sầu bi của tình ái.
“ Người buồn cảnh có bao giờ vui đâu”, những tâm tư tình cảm sâu chặt trong lòng nhân vật đã lan lẻn vào cả thiên nhiên đất trời:
“ Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.”
Những đám rêu xanh tuy mỏng manh yếu ớt, nhỏ nhưng tác giả dùng một động từ rất mạnh mẽ “ xiên” để thể hiện một sức sống rất mãnh liệt. Đá đã rắn chắc lại càng phải rắn chắc hơn, để vuốt nhọn “ đâm toạc chân mây”. Những vật tưởng chừng như vô tri vô giác, như cỏ cây đất đá nhờ có sự thổi hồn của nhà thơ. Những hình ảnh đấy đã thay con người thể hiện lên những tâm trạng phẫn uất trong lòng nhân vật.Những dòng cảm xúc cô đơn, chán chường bức bối đang muốn được giải thoát, người phụ nữ ấy đang muốn đập tan những rào cản, kìm nén để thể hiện ra tiếng nói của cái tôi. Nó càng thể hiện cá tính mạnh mẽ, táo bạo dám nghĩ dám làm vượt thời đại của Hồ Xuân Hương.
Hai câu thơ kết càng thể hiện tâm trạng chán chường, buông xuôi của thi nhân:
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!
“ Xuân đi xuân lại lại” chứa đựng biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua, đong đếm sao cho đủ những mong chờ, hi vọng. giới hạn buồn tủi của con người cũng đến giới hạn, trong khi cuộc đời, tuổi thanh xuân cứ trôi qua thì tình yêu, mưu cầu hạnh phúc càng ngày càng bị lụi tàn. Từ “ ngán” càng thể hiện nỗi ngán ngẩm, chán chường trước cuộc đời. Tạo hóa như đang trêu ngươi tình duyên của con người trước thời thế. Chỉ có một “ mảnh tình” chung thủy với một người mà còn không được trọn vẹn. Mối tình ấy còn phải “ san sẻ” với ai đây càng khiến xót xa, tội nghiệp. Từ thưở xưa, người chồng có “ năm thê bảy thiếp” nhưng người vợ vẫn luôn tôn thờ, yêu thương một người trọn vẹn cả cuộc đời. Câu thơ khép lại với cả một nỗi lòng buồn thương của người phụ nữ trong xã hội xưa, đó là một sự bất công mà chẳng ai có thể thay đổi lại cả một chế độ xã hội.
Bài thơ Tự Tình đã thể hiện trọn vẹn những tâm tình của Hồ Xuân Hương dành cho kiếp người. Ai cũng có khát vọng sống, khát vọng được hạnh phúc. Những bi thương, ai oán chẳng ai có thể tránh khỏi, nhưng sâu xa trong những khó khăn ấy, con người ta vẫn luôn hi vọng vào tương lai tốt đẹp hơn. Đặc biệt, người phụ nữ tuy thân yếu tay mềm, nhưng tấm lòng, tâm hồn của họ muon đời vẫn luôn kiên cường, dũng cãm cưỡng lại sự nghiệt ngã của tạo hóa để giành lấy hạnh phúc yêu thương.
Ứng dụng VĂN MẪU TỔNG HỢP trên điện thoại với hơn 30k bài văn mẫu hay nhất, giải bài tập SGK, soạn văn đầy đủ chi tiết. Hãy tải App ngay để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn nhé!
Nếu thấy bài viết hay, hãy động viên và chia sẻ ban biên tập! Các bình luận không phù hợp sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.