Văn mẫu lớp 10

Phân tích đoạn trích Trao duyên của Nguyễn Du

  • Google+
  • Linkedin
  • Pinterest

Đề bài: Em hãy phân tích đoạn trích Trao duyên

Tình duyên là thứ tình cảm tự nhiên, thuần khiết xuất phát từ những người khác giới, nó vốn không thể gượng ép, càng không thể cưỡng cầu. Thế nhưng trong đoạn trích Trao duyên, nhân vật Thúy Kiều đã nhờ em gái của mình là Thúy Vân thực hiện lời hẹn ước với chàng Kim. Khung cảnh trao duyên diễn ra cũng thật đặc biệt.

Thúy Kiều đã từng đính ước với chàng Kim trong đêm trăng thề nguyền, nhưng cuộc sống đổi thay, Kiều phải bán mình cứu cha, không đành lòng với lời nguyện ước dở dang, Thúy Kiều đã tìm cách để làm vẹn tròn tất cả, chí ít cũng làm cho chàng Kim bớt những đau đớn, buồn khổ khi nàng ra đi. Thúy Kiều đã tìm đến Thúy Vân để nhờ nàng thay mình thực hiện lời ước hẹn ấy:

“Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”

Hai câu thơ đầu tiên thật chua xót, đau đớn. Tác giả Nguyễn Du đã rất tinh tế khi sử dụng từ “cậy”, đặc biệt tác giả còn đảo lên đứng đầu câu đã thể hiện được tình thế đầy éo le, khó mở lời của Thúy Kiều. Từ cậy vừa mang ý nghĩa nhờ vả lại vừa mang ý ép buộc, không để cho đối phương từ chối.

Thúy Kiều là chị Thúy Vân, do vậy những hành động lạy, thưa khó xảy ra trong thực tế, thế nhưng khi đứng trước tình huống đầy khó xử này, Thúy Kiều đã làm những việc tưởng chừng như là nghịch lí ấy. Nàng và Kim Trọng tuy có duyên gặp mặt, đính ước nhưng số phận của nàng giờ đây nổi trôi chẳng thể biết trước tương lai, không muốn phụ tấm chân tình của chàng, nàng đã phải nhờ đến Thúy Vân để thực hiện tiếp mối tình dở dang ấy.

“Giữa đường đứt gánh tương tư

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc ai

Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày hẹn ước khi đêm chén thề”

Thúy Kiều đã kể với Thúy Vân về tình duyên đẹp nhưng đầy dang dở của mình với chàng Kim, tình yêu của nàng dành cho chàng Kim là một tình yêu say đắm, chân thành. Nàng cũng kể về việc hẹn ước, trao duyên của hai người như lí giải cho lí do mà nàng nhờ cậy Thúy Vân. Sở dĩ Kiều không thể tự mình thực hiện được lời đính ước là vì những sóng gió bất ngờ ập tới trong cuộc đời của nàng:

“Sự đâu sóng gió bất kì

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”

Qua những câu thơ này ta có thể thấy được Thúy Kiều đã ý thức rất rõ về hoàn cảnh cũng như nỗi đau của mình. Để cứu cha, làm tròn chữ hiếu của người con, nàng đã bán mình cứu cha, dù nặng lòng với chàng Kim nhưng đứng trước chữ Hiếu nàng đành phụ tấm lòng của chàng Kim. Không muốn chàng Kim phải buồn đau, nàng đã trao duyên cho Thúy Vân.

Để cho Thúy Vân không thể từ chối, Thúy Kiều đã mang mối quan hệ máu mủ ra để cậy nhờ, khiến cho Thúy vân không thể từ chối:

“Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ thay lời nước non

Chị dù thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suối vẫn còn thơm lây”

Thúy Kiều và Thúy Vân đều đang ở độ tuổi đẹp nhất của người con người, Thúy Kiều đã nhắn nhủ với Thúy Vân “ngày xuân em hãy còn dài” thể hiện mong muốn nối tiếp tình duyên với chàng Kim giúp mình. Có thể thấy, ngay khi còn sống trong cảnh “êm đềm chướng rủ màn che thì Thúy Kiều luôn có dự cảm không lành về tương lai của mình.

Trong câu thơ này, Thúy Kiều đã nhắc đến cái chết, và nếu Thúy Vân đồng ý với lời cậy nhờ của nàng thì dù có chết nàng cũng cảm thấy thanh thản, qua đây ta thấy được con người nặng tình nặng nghĩa của Thúy Kiều.

“Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy so tơ phím này

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”

Trong xã hội phong kiến nhiều bất công, đen tối, Thúy Kiều lẽ ra phải được hưởng hạnh phục trọn vẹn nhưng cuối cùng, để làm tròn chữ Hiếu, nàng phải lựa chọn con đường nhiều khổ đau, bất hạnh với mình. Đối với Thúy Kiều, cái chết cũng chẳng phải kết thúc đau đớn nhất đối với nàng bởi nàng còn măng nặng nỗi day dứt với chàng Kim, với cuộc đời.

Đoạn trích đã thể hiện được những nỗi đau chất chồng, dồn nén chẳng thể thoát ra ngoài khiến cho Thúy Kiều dằn vặt trong đau đớn. Đoạn trích khơi dậy nỗi đồng cảm của độc giả với số phận đầy oan nghiệt của người con gái tài hoa, bạc mệnh.

  • Google+
  • Linkedin
  • Pinterest

Post Comment