Đề bài: Suy nghĩ của em về lòng tự trọng
Người xưa có câu "Áo rách cốt cách người thương. Thật vậy, câu nói đó vừa nói đến nhân cách cao đẹp của con người dù nghèo vẫn không vì đồng tiền hay điều gì khác làm nhuốm bẩn, làm thay đổi bản chất tốt đẹp của mình. Không những thế, nó còn đề cao lòng tự trọng con người. Bởi, nếu có lòng tự trọng, thì con người sẽ biết yêu quý bản thân hơn, sẽ không vì vật chất, phù du của cuộc sống bon chen này mà thay đổi. Vậy, lòng tự trọng là gì? Lòng tự trọng là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người. Là ý thức luôn giữ gìn phẩm giá, nhân cách của mình, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, điều kiện ra sao.
Người có lòng tự trọng là người có đạo đức, có nhân cách cao đẹp, là người biết đối nhân xử thế, không vì chút lợi danh mà bán rẻ bản thân hay làm hại đồng loại. Từ bao đời nay, đất nước ta có bao nhiêu anh hùng chống giặc ngoại xâm là có bấy nhiêu tấm gương cao đẹp về lòng tự trọng; không phân biệt đàn ông, đàn bà, không phân biệt người già, trẻ nhỏ. Họ có thể hi sinh bản thân và gia đình vì lòng tự trọng dân tộc mà không bán đứng đồng đội, đất nước như thời xưa có Hai Bà Trưng, có anh hùng Nguyễn Huệ, thời hiện đại hơn có Bác Hồ, chị Võ Thị Sáu. Ngoài ra, còn không biết bao nhiêu tấm gương vô danh khác. Muốn trở thành người có lòng tự trọng không khó, nhưng cũng không dễ dàng.
Tự trọng là biết giữ gìn nhân cách, phẩm giá của mình. Cố gắng thoát khỏi cám dỗ từ ma lực đồng tiền không dễ, cám dỗ từ danh quyền càng khó hơn. Khi con người ta nghèo khó càng rất dễ đánh mất lòng tự trọng, tự tôn của bản thân mình. Hiện nay, tình trạng đánh ghen tung clip lên mạng đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Có bao giờ bạn tự hỏi như vậy là đúng hay sai chưa? Xin thưa, sai hoàn toàn. Đánh người, chửi rủa, bôi nhọ nhân cách người khác bằng cách tung clip là hành động dã man xâm phạm nghiêm trọng thân thể, nhân phẩm của người khác. Đớn đau hơn, việc dụ dỗ người đã có gia đình bằng thân thể của bản thân càng đáng lên án hơn. Không chỉ thế, phút giây "ăn trái lạ" chính là phút giây bạn đánh mất sự tôn nghiêm, lòng tự trọng của bản thân, gia đình và tiếp tay cho những điều xấu kể trên xảy ra. Cả ba trường hợp, ai cũng đã đánh mất lòng tự trọng của bản thân, gia đình và xã hội.
Giữ lòng tự trọng không phải là 1 việc dễ. Lòng tự trọng là phẩm chất căn bản mỗi người cần có; lòng tự trọng còn là điều thiết thực đêax hội càng thêm văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, tự trọng còn là sống trung thực, dám nhận sai và sống trách nhiệm. Phải hết mình vì công việc, cố gắng học tập tốt cũng chính là tự trọng. Dù có bị điểm kém, tụt hạng trong thành tích vẫn nhất quyết không copy bài bạn hay sử dụng phao, đó cũng chính là lòng tự trọng. Có sai dám nhận, đứng lên từ nơi mình gục ngã để đấu tranh với cái xấu, cái sai, đó cũng chính là biểu hiện của lòng tự trọng. Một tiếng xin lỗi dù khó nói đến đâu thì khi đặt đúng nơi đúng lúc cũng sẽ tỏ rõ bạn có lòng tự trọng như thế nào. Lòng tự trọng tiềm ẩn trong hành động và lời nói của bạn. Đừng vì một phút giây suy nghĩ lệch lạc nào mà đánh mất đi lòng tự trọng của chính mình đã xây dựng từ lâu.
Lòng tự trọng luôn hướng con người đến những điều tốt đẹp, những điều hoàn hảo nhất trong nhân cách của con người. Lòng tự trọng thúc đẩy con người giữ gìn những phẩm chất đạo đức tốt đẹp khác. Điều đó thể hiện rõ ở chữ "tự" trong tự trọng. Không chép phao, coppy bài của bạn trong giờ kiểm tra là tự trọng bản thân, tôn trọng thầy cô giáo và các bạn khác.
Tự trọng trong thời chiến đồng hành với sự bất khuất, kiên trung với đất nước, dân tộc hay người ta gọi là tự trọng dân tộc. Từ xưa, ông bà ta đã dần đúc kết kinh nghiệm trong các câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn… Để lưu truyền cho thế hệ mai sau. Việc giữ gìn lòng tự trọng cũng không ngoại lệ. "Giấy rách phải giữ lấy lề "Đói cho sạch, rách cho thơm "Miếng ăn quá khẩu thành tanh "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng Lòng tự trọng mới nghe tưởng như đơn giản, nhưng thực sự rất quan trọng trong cuộc sống mỗi người chúng ta. Đừng để bản thân mình phải mất đi lòng tự trọng vì vật chất, phù du của cuộc đời này.
Lòng tự trọng như báu vật của mỗi người. Nó là giá trị tiềm ẩn của con người, có sự liên đới với các phẩm chất khác. Nếu bạn đánh mất nó đồng nghĩa bạn đã đánh mất đi bản thân của mình, mất đi giá trị cốt lõi mà khó khăn lắm mỗi người chúng ta mới có thể xây dựng được. Ngày nay, khi đất nước nào cũng theo xu thế toàn cầu hóa, các nền văn hóa hòa nhập, trao đổi lẫn nhau, thì những phẩm chất truyền thống càng dễ bị mai một.
Là tuổi trẻ, là sức mạnh nền tảng, tương lai của đất nước, tôi và các bạn nên tỉnh táo, ý thức rõ mọi hành động và lời nói của mình để không làm mất đi lòng tự trọng và bị hòa tan không chọn lọc với các nền văn hóa. "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" không bao giờ là thừa đâu bạn nhé.
Nguồn: Tài liệu văn mẫu