Cảm nghĩ về bài Cổng trường mở ra của Lý Lan
Bài làm 1
Lý Lan là một cây bút viết văn xuôi tuỳ bút có chất giọng riêng nhẹ nhàng, thủ thỉ tâm tình, dễ dàng đi vào lòng người. Nhắc đến cây bút này, người ta sẽ nhớ ngay đến những câu văn trong sáng, đậm tình mẫu tử trong đoạn văn tuỳ bút : “Cổng trường mở ra” diễn tả tâm trạng người mẹ trong đêm trước ngày đầu đi học của đứa con nhỏ bé bòng.
Đoạn văn là những dòng tâm trạng vừa vui mừng, vừa buồn lo, khó tả của mẹ khi nghĩ về con trước ngày khai trường đầu tiên. Lý Lan không xây dựng một cốt truyện nào, không có tình tiết gay cấn, mâu thuẫn mà đoạn văn cứ nhẹ nhàng đi vào lòng người những câu chữ đong đầy nỗi niềm tâm trạng của người mẹ. Đó là những lời chia sẻ về những tâm sự mang rất nhiều tình cảm của tác giả hay của nhân vật người mẹ, có tình mẹ dành cho đứa con bé bỏng của mình, có sự hạnh phúc vui vẻ khi nhớ lại quá khứ.
Bài văn là những dòng tâm trạng đối lập của mẹ và đứa con. Đứa con vẫn như mọi ngày “giấc ngủ đến với con dễ dàng như uống một ly sữa, ăn một cái kẹo. Gương mặt thanh thoát của con tựa nghiêng trên gối mềm, đôi môi hé mở và thỉnh thoảng chúm lại như đang mút kẹo.” Mặc dù cũng có những háo hức như những chuyến đi chơi xa nhưng chỉ cần mẹ dỗ ngọt một câu là lại có thể lăn ra ngủ, vô tư mà không băn khoăn.
Nhưng trái lại với con, mẹ lại trằn trọc không ngủ được. Trong buổi tối không ngủ ấy, mẹ giúp con chuẩn bị quần áo, đồ dùng học tập cho ngày mai, mẹ làm vài việc vặt, mẹ làm một vài chuyện riêng của mẹ,… nhưng mẹ chẳng tập trung. Mẹ tự nhủ đi ngủ sớm nhưng trằn trọc không thể ngủ. Những việc mẹ làm thực chất chẳng có gì khó khăn, mà đó là những việc nhỏ bé, thường nhật nhưng nó lại đong đầy tình cảm của mẹ dành cho con. Mẹ lo lắng cho con, chăm sóc, yêu thương con từ nhũng điều nhỏ bé nhất. Mẹ làm mọi điều vì con.
Nghĩ đến ngày khai giảng của con, mẹ nhớ lại một thời tuổi thơ của mẹ, một phần kỉ niệm về ngày đi học của mẹ. Câu văn “Cứ nhắm mắt lại là mẹ dường như nghe tiếng đọc bài trầm bổng: Hằng năm cứ vào cuối thu – mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi, dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.” như lời nhắn nhủ của mẹ với con, mẹ muốn truyền cho con cái rực rỡ, cái xao xuyến cho con niềm vui, sự xốn sang để con khắc ghi mãi mãi ngày đầu khai giảng của con. Mẹ nhớ đến bà ngoại rồi nghĩ đến sau này con cũng sẽ như mẹ đêm nay, và trong sớm mai. Hình dung của mẹ về ngày khai giảng của học sinh Nhật Bản : “Mẹ nghe nói ở Nhật, ngày khai trường là ngày lễ của toàn xã hội. Người lớn nghỉ việc để đưa trẻ con đến trường, đường phố được dọn quang đãng và trang trí tươi vui. Tất cả quan chức nhà nước vào buổi sáng ngày khai trường đều chia nhau đến dự lễ khai giảng ở khắp các trường học lớn nhỏ.” Đây là câu văn đầy ý nhân văn của Lý Lan về giá trị quan trọng của nền giáo dục. Đó là sự khẳng định về việc học, về giáo dục đối với con trẻ. “Ai cũng biết rằng mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau, và sai lầm một li có thể đưa thế hệ ấy đi chệch cả hàng dặm sau này.” Sự khẳng định, đề cao giáo dục như một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng, mà sâu sắc dành đến không chỉ con mà còn là toàn nhân loại về nền giáo dục quan trọng với mỗi cá nhân. Với mẹ trường học chính là thế giới kì diệu, đó là nơi cho con tri thức, cho con ước mơ, cho con nền tảng để bước tới thành công.
“Cổng trường mở ra” là lời tự sự trải lòng của người mẹ trong đêm trước ngày khai giảng đầu tiên của con. Những lời văn nhẹ nhàng, tâm tình thủ thỉ gợi lại bao niềm cảm xúc trong mỗi người đọc để nhớ lại về ngày khai giảng đầu tiên của mình.
Bài làm 2
Trong những bước ngoặt của tuổi thơ mỗi chúng ta, có lẽ những ngày đầu tiên bước chân vào cánh cổng trường tiểu học là những ngày đáng nhớ nhất, một bước chuyển vừa gần lại vừa xa. Và hiểu được những điều này, là một người mẹ, Lý Lan đã tỏ ra hiểu cảm xúc của đứa con bé bỏng của mình hơn ai hết nhưng cũng đồng thời khó lí giải cảm xúc trong lòng mình. Với tình cảm trìu mến ấy, những câu từ trong: “Cổng trường mở ra” thật dễ đi vào lòng người đọc, mang lại cho chúng ta những suy nghĩ riêng về trẻ em, về trường học và về cuộc sống.
Đến với cổng trường mở ra ta chỉ gặp hai nhân vật đó là người mẹ và đứa con trước ngày khai trường vào lớp Một và từng câu chữ hiện lên hết thảy là dòng cảm xúc của người mẹ trong đêm mất ngủ trước ngày đầu tiên con nhập học lớp Một. Ngồi ngắm nhìn con ngủ say, người mẹ nhớ lại những điều ban ngày và không thôi suy nghĩ. Lý Lan đã bằng trái tim người mẹ, theo dõi, quan sát và hiểu từng hành động cũng như sự thay đổi của cậu con trai nhỏ khi ý thức được bản thân vào tiểu học từ chuyện cậu bé không dễ ngủ như thường ngày đến chuyện cậu có ý thức dọn dẹp đồ chơi của mình cho gọn gàng. Và vì thế, người mẹ này hiểu con trai như ý thức được bản thân đã lớn: “Con lớn rồi . . . hình như có một ý nghĩa đặc biệt với con. Và con hành động như một đứa bé – lớn rồi.”
Trong lòng mỗi người mẹ, con cái cho dù lớn đến đâu thì vẫn luôn bé bỏng và cần được chở che và giống như một điều tự nhiên, người mẹ trong câu chuyện vẫn chưa thể làm quen với việc con sẽ vào lớp Một, người mẹ nhớ lại những ngày con học mẫu giáo trong sư bảo bọc và lo lắng. Người mẹ tin rằng trường tiểu học có lẽ sẽ không làm cho con quá bỡ ngỡ bởi con đã quen với trường lớp từ ba năm trước khi bắt đầu vào mẫu giáo còn trường tiểu học thì đã được làm quen những tháng hè. Lúc đầu con có thể hơi lo lắng vì còn chưa quen nhưng mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp và người mẹ tin tưởng rằng con mình đủ mạnh mẽ và bản lĩnh để vượt qua tất cả.
Từ việc con đi học, Lý Lan chợt bồi hồi nhớ lại ngày đầu tiên mình tới trường. Buổi ấy không có sự chuẩn bị kĩ như ngày nay và người mẹ ấy in đậm trong lòng mình cái ngày đáng nhớ ấy, từng hình ảnh về con đường, mái trường, thầy cô bè bạn đều ghi dấu ấn khó phai và hiện nó ùa về khiến long người nôn nao, bồi hồi khó tả. Và giờ đây khi sắp đưa con vào cổng trường tiểu học, để cho con đi những bước chập chững đầu tiên trên con đường học vấn, những bước chuẩn bị đầu tiên của một con đường đời dài phía trước, người mẹ những muốn đem những xúc cảm năm xưa đặt lên lòng con, muốn nhẹ nhàng, cẩn thẩn, tự nhiên mà ghi sâu mãi trong lòng con về cái ngày “hôm nay tôi đi học” ấy.
Rồi dòng cảm xúc cứ miên man như vậy đưa người mẹ suy nghĩ về ngày khai trường của Nhật, ngày lễ của toàn xã hội, mọi công việc đều được gác lại và mọi trường học tổ chức ngày khai trường trong sự có mặt của các quan chức và tất cả các bậc phụ huynh. “Bằng hành động đó, họ muốn cam kết rằng, không có ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên giáo dục thế hệ trẻ cho tương lai”. Đoạn văn này tuy chỉ ngắn gọn và núp bóng suy tư của một người mẹ nhưng làm nổi rõ vai trò và ý nghĩa của nền giáo dục. Người đọc chúng ta chợt mang nhiều suy nghĩ về tầm quan trọng của việc giáo dục, nhất là với trẻ em- mầm non của đất nước.
“Cổng trường mở ra” với văn phong gần gũi, trong sáng, cảm xúc mơn man nhẹ nhàng trong những tâm sự cảm xúc nơi lòng người mẹ trước ngày con nhập học như một cơn gió nhẹ thổi vương qua lòng người đọc. Ta không chỉ nhận ra tình cảm rất đỗi thiêng liêng, tinh tế mà người mẹ ấy dành cho con mình mà còn phần nào có nhiều suy nghĩ về trẻ em, về giáo dục khi đặt trang sách xuống.