Giải thích câu tục ngữ Chắp cánh liền cành ngắn gọn
Hướng dẫn
Con chim bị lìa cánh được chắp lại, cây cành bị gẫy lại liền. Ý nói: Đôi trai gái gắn bó với nhau, tình nghĩa vợ chồng khăng khít. Còn có câu: “Chim liền cánh, cây liền cành” gần nghĩa với “gương vỡ lại lành”.
Chuyện kể:
Hà Thị là người nhan sắc nết na, Hàn Bằng là chồng rất yêu nàng. Hai người sống với nhau hạnh phúc. Tống Khang Vương thấy Hà Thị đẹp mê hồn liền bắt về làm vợ rồi bỏ tù Hàn Bằng. Uất ức, Hàn Bằng tự sát còn Hà Thị lao từ lầu cao xuống tự tử.
Khang Vương chôn hai xác gần nhau. Qua một đêm, từ hai ngôi mộ có hai cây tử quy mọc lên, rễ chạm nhau ở dưới, cành chạm nhau ở trên. Thấy cây xòa cành sang nhau, Tống Khang Vương cho chặt cành đi, nhưng càng chặt thì cành càng vươn ra, quấn vào nhau.
Cũng từ hôm đó có đôi chim uyên ương đến đậu trên cành tử quy, tiếng hót thảm thiết. Tống Khang cho rình bắt chim. Thấy chim đẹp, liền cho chặt đôi cánh để chim không bay rồi cho đậu lên cành cây làm cảnh. Nhưng cánh chim chả mấy chốc lại mọc lông rồi đôi uyên ương vỗ cánh, bay lên cao hót tiếng hót thống thiết: “Liền cánh – liền cành”. Hai cây tử quy sau này cứ sát liền bên nhau mà lớn lên, che rợp cả một khoảng trời, không ai còn dám chặt cành của nó nữa. Còn đôi chim uyên ương trở thành hai đám mây trắng bay khắp bầu trời (1)
Dù có bị người khác chia lìa tình cảm, nhưng tình vợ chồng thủy chung vẫn chiến thắng. Cái quan trọng vẫn là không bị cám dỗ, mua chuộc và không chịu khuất phục bởi hoàn cảnh đen tối.
Thiếp xin về kiếp sau này
Như chim liền cánh như cây liền cành.
“Chắp cánh liền cành” còn là mơ ước được gần gũi, chia sẻ, là biểu hiện của sự trọn vẹn, toại nguyện tình cảm trong cuộc sống.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh – NXB Thông tấn
(1): Theo “Điển hay, tích lạ”, Nguyễn Tử Quang, NXB Trẻ, 2001.
Theo Hocsinhgioi.com