Đề bài: Phân tích tác phẩm cây khế
Bài Làm
Truyện cổ tích dân gian Việt Nam luôn là những câu chuyện mang chi tiết tưởng tượng, kỳ ảo lý thú đã đi vào tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ. Không những thế, mỗi câu chuyện lại là một bài học sâu sắc và triết lý sống của nhân dân lao động xưa dạy bảo con cháu. “Cây khế” là một trong những truyện cổ tích hay, đặc sắc và quen thuộc với tuổi thơ Việt Nam. Câu chuyện mang đến những bài học sâu sắc về tình anh em trong gia đình và đạo lý “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”.
Trước tiên, truyện “Cây khế” đưa người đọc, người nghe đến với hai người anh em trong gia đình cùng tình huống rất quen thuộc đối với nhiều gia đình Việt Nam, đó là việc chia gia tài sau khi cha mẹ qua đời. Truyện kể rằng, ngày xưa ở một nhà nọ có hai anh em. Cha mẹ mất sớm để lại gia tài nhà cửa, ruộng đất. Người anh tham làm nhận hết của cải ruộng đất về mình, chỉ chia cho người em trai mảnh vườn nhỏ có một cây khế. Người em vốn hiền lành nên vui vẻ nhận lời, hai vợ chồng ra sống ở túp lều bên cây khế. Tác giả dân gian đã xây dựng một tình huống chuyện rất hay và quen thuộc. Hình ảnh người anh thể hiện được một sự thật có trong cuộc sống, đó là có những kẻ tham lam, vì tiền bạc mà không nghĩ tới tình anh em. Qua đó, thể hiện thái độ chế giễu những kẻ tham lam, lười biếng trong xã hội.
Câu chuyện còn mang đến một bài học sâu sắc về triết lý “ở hiền gặp lành”. Hai vợ chồng người em chăm chỉ làm ăn, cày thuê cuốc mướn, chăm bón cây khế hàng ngày. Rồi cây khế tươi tốt ra quả sai trĩu cành cho quả chín vàng, ngon ngọt. Một ngày nọ có con chim phượng hoàng từ đâu bay đến ăn hết quả này đến quả khác, người vợ liền nói cả gia tài có một cây khế này, mong chim đừng ăn. Chim bèn nói “ăn một quả trả cục vàng, may túi ba gang mang đi mà đựng”. Thế rồi hai vợ chồng người em nghe theo. Hôm sau chim đến và đưa người em bay đến hòn đảo rất xa lấy vàng. Hai vợ chồng từ đó sống sung túc hơn, có ruộng vườn nhà cửa. Chi tiết tưởng tượng, kỳ ảo về chú chim phượng hoàng ăn khế trả vàng là một chi tiết đặc sắc trong câu chuyện. Đó là chi tiết li kỳ giúp cho câu chuyện trở nên hấp dẫn và lôi cuốn. Không những thế, thông qua chi tiết này, tác giả dân gian thể hiện một triết lý sâu sắc. Chỉ cần chăm chỉ, ở hiền ắt sẽ gặp lành. Vợ chồng người em là biểu tượng của người dân lao động xưa luôn chăm chỉ, chịu thương chịu khó và hiền lành nên đã đạt được thành quả tốt đẹp.
Không chỉ mang đến bài học “ở hiền gặp lành”, tác giả dân gian còn cho người đọc triết lý “ác giả, ác báo” và những người tham lam sẽ không có kết quả tốt đẹp. Vợ chồng người anh thấy người em trở nên sung túc bèn lân la hỏi chuyện. Vốn tính thật thà nên người em kể hết sự việc. Nghe xong, vợ chồng người anh ngỏ ý đổi tất cả tài sản của mình lấy cây khế. Người em đồng ý. Rồi một ngày nọ chim lại bay đến ăn và hứa trả vàng. Hai vợ chồng người anh mừng rỡ vô cùng, bèn bày kế may hẳn túi mười hai gang. Hôm sau chim đưa người anh đi lấy vàng, người anh lấy đầy vàng vào túi mười hai gang. Trên đường về gặp cơn gió mạnh, chim không chịu được sức nặng nên cánh chim bị nghiêng và người anh cùng túi vàng rơi xuống biển sâu. Chi tiết người anh bị rơi xuống biển sâu cùng túi vàng nặng trĩu là kết cục đích đáng mà tác giả dân gian đã dành cho những kẻ tham lam. Qua đó, nhân dân lao động xưa muốn dạy dỗ con cháu một bài học sâu sắc. Đó là trong cuộc sống không nên quá tham lam, ích kỷ, nếu không sẽ gặp một kết cục không hề tốt đẹp.
Gấp trang sách lại mà hình ảnh chú chim phượng hoàng ăn khế trả vàng vẫn hiện lên trong tâm trí người đọc. Câu chuyện “Cây khế” với chi tiết tưởng tượng kỳ ảo đã cho người đọc những giây phút lôi cuốn, kỳ thú cùng bài học sâu sắc về sự tham lam, triết lý sống “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”. Thế hệ người Việt Nam luôn tin rằng những câu chuyện cổ tích như “Cây khế” sẽ có sức sống lâu bền cùng lời răn dạy con cháu của cha ông ta.
Nguồn: Tài liệu văn học