Cảm nhận về bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ
I. Dàn ý bài viết
1. Mở bài
Giới thiệu về bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ : Bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ là một trong những bài thơ hay và gây xúc động mạnh ca ngợi về tình yêu thương bao la và tấm lòng cao cả của Bác Hồ.
2. Thân bài
-Cảm nhận về hình ảnh Bác bên bếp lửa: Khi anh đội viên thức dậy là khi đêm đã về khuya, mọi người và các chiến sĩ đều đã chìm trong giấc ngủ sau một ngày công tác và hoạt động cách mạng mệt mỏi.
-Cảm nhận về vẻ trầm ngâm, suy tư của Bác:
+ Hình ảnh của Bác với vẻ mặt trầm ngâm, trầm lặng bên bếp lửa, sự trầm ngâm của Bác chứa đựng bao nỗi niềm suy tư, trăn trở.
+ Khung cảnh bên ngoài cũng đồng điệu với tâm trạng của Bác “trời mưa lâm thâm”, “lều tranh xơ xác”, những giọt mưa cứ lặng lẽ rơi trên mái lều tranh nơi Bác và các cháu đang nằm.
-Cảm nhận về hành động của Bác: Hành động quan tâm, chăm sóc chu đáo của Bác càng tô đậm tấm lòng của người cha già, trời mưa Bác sợ chiến sĩ lạnh nên đi dém chăn, sợ các chiến sĩ bị giật mình Bác đi nhón chân nhẹ nhàng.
-Cảm nhận về nỗi lo trong đêm không ngủ của Bác:
+ Lí do mà Bác không ngủ chính là vì lo cho chiến sĩ, dân công đêm nay đang ngủ ngoài rừng,
+ Bác không thể yên lòng khi những người con, người cháu của mình đang phải chịu khổ ngoài kia. Bác còn bận trăn trở bao việc nước việc nhà, công việc của cách mạng và kháng chiến giành độc lập tự do của dân tộc.
3. Kết bài
Ý nghĩa của bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ”: Như vậy, chỉ bằng vài câu thơ tái hiện lại một đêm Bác Hồ không ngủ, bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ đã gợi lên một hình ảnh đẹp đẽ và cao cả về Bác và tấm lòng của Bác.
II. Bài tham khảo
Bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ là một trong những bài thơ hay và gây xúc động mạnh ca ngợi về tình yêu thương bao la và tấm lòng cao cả của Bác Hồ. Bài thơ là câu chuyện về một đêm Bác không ngủ tại chiến trường trong chiến dịch cuối năm 1950, được kể lại qua lời của một anh chiến sĩ trẻ tại chiến trường. Qua bài thơ, tác giả đã thể hiện lòng yêu kính đối với người cha vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Mở đầu bài thơ là khoảnh khắc anh đội viên thức giấc, nhìn thấy Bác còn ngồi bên đống lửa chưa ngủ, hình ảnh đó đã tạo nên những cảm xúc mạnh mẽ trong anh đội viên:
“Anh đội viên thức dậy…
Đêm nay Bác không ngủ”
Khi anh đội viên thức dậy là khi đêm đã về khuya, mọi người và các chiến sĩ đều đã chìm trong giấc ngủ sau một ngày công tác và hoạt động cách mạng mệt mỏi, tất cả mọi người đang nghỉ ngơi, lấy lại sức để tiếp tục chiến đấu cho những ngày tháng kháng chiến phía trước. Ấy vậy mà Bác lại không nằm trong guồng quay đó, trời đã khuya và ngày càng lạnh nhưng Bác vẫn ngồi đó, mang trong lòng nhiều nỗi băn khoăn:
“Lặng yên bên bếp lửa…
Mái lều tranh xơ xác”
Anh đội viên không biết vì sao Bác còn chưa ngủ, anh không dám hỏi Bác, chỉ biết ngắm nhìn Bác lúc đó. Hình ảnh của Bác với vẻ mặt trầm ngâm, trầm lặng bên bếp lửa, sự trầm ngâm của Bác chứa đựng bao nỗi niềm suy tư, trăn trở. Khung cảnh bên ngoài cũng đồng điệu với tâm trạng của Bác “trời mưa lâm thâm”, “lều tranh xơ xác”, những giọt mưa cứ lặng lẽ rơi trên mái lều tranh nơi Bác và các cháu đang nằm.
“Anh ngồi yên nhìn Bác…
Đốt lửa cho anh nằm”
Hình ảnh của Bác ánh lên sự xúc động nghẹn ngào trong anh đội viên, người cha già với mái tóc bạc đang ngồi đốt lửa sưởi ấm cho đàn con chiến sĩ của mình, tình yêu thương của Bác thật bao la và ấm áp. Vì dân tộc, vì nước nhà mà người cha mái tóc bạc ấy đã dâng trọn cả một đời cho nhân dân, cho đất nước, chưa từng nghĩ đến bản thân. Bác quan tâm đến cả bữa ăn giấc ngủ của chiến sĩ, dân quân, tình thương của Bác còn ấm áp hơn bội phần ngọn lửa hồng kia.
“Rồi bác đi dém chăn…
Bác nhón chân nhẹ nhàng”
Hành động quan tâm, chăm sóc chu đáo của Bác càng tô đậm tấm lòng của người cha già, trời mưa Bác sợ chiến sĩ lạnh nên đi dém chăn, sợ các chiến sĩ bị giật mình Bác đi nhón chân nhẹ nhàng. Và lí do mà Bác không ngủ chính là vì lo cho chiến sĩ, dân công đêm nay đang ngủ ngoài rừng, Bác không thể yên lòng khi những người con, người cháu của mình đang phải chịu khổ ngoài kia. Bác còn bận trăn trở bao việc nước việc nhà, công việc của cách mạng và kháng chiến giành độc lập tự do của dân tộc.
Như vậy, chỉ bằng vài câu thơ tái hiện lại một đêm Bác Hồ không ngủ, bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ đã gợi lên một hình ảnh đẹp đẽ và cao cả về Bác và tấm lòng của Bác. Một người ở vị trí cao nhất luôn dành trọn một tấm lòng vì dân vì nước, mang trong mình tình yêu thương của một người cha già đối với con dân Việt Nam.