Phân tích ý nghĩa nhan đề Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Bài làm
Lưu Quang Vũ được xem là một hiện tượng đặc biệt của kịch trường những năm tám mươi của thế kỉ XX với nhiều vở kịch đặc sắc như: Hồn Trương Ba, Da hàng thịt,..Một trong những vở kịch in đậm dấu ấn đọc giả nhất là tác phẩm “ Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Nhan đề vở kịch gợi ra nhiều ý nghĩa sâu sắc, gửi đến độc giả nhiều thông điệp ý nghĩa. Hãy cùng phân tích ý nghĩa nhan đề Hồn Trương Ba, da hàng thịt để thấy rõ thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm nhé
Ngay nhan đề tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt, hai hình ảnh “ hồn” và “da” gợi cho người đọc nhiều ấn tượng. “Da” là một bộ phận trên cơ thể con người, có ý nghĩa cụ thể. Còn “ hồn” trong từ linh hồn, có ý nghĩa trừu tượng. Hồn và thân xác luôn gắn kết với nhau, hồn nào thì thân xác đó.
Tuy nhiên một mâu thuẫn xảy ra trong vở kịch này là hồn một nơi và người một nơi. Chính nghịch lý đó đã tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm, chính nghịch lý đã nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có nhiều bài học mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm tới tất cả mọi người. Trong vở kịch, Trương Ba bị bắt chết nhầm.
Và khi đó Trương Ba được lấy lại sự sống tưởng chừng ông sẽ rất hạnh phúc, ai ngờ đây chính là một bi kịch của cuộc đời ông. Thân xác Trương Ba đã không còn nguyên vẹn mà tan vào trong đất. Muốn ông sống lại chỉ còn cách cho hồn ông nhập vào một thân xác khác còn nguyên vẹn.
Đúng lúc cạnh nhà có anh hàng thịt mới mất, Đế Thích đã cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt. Từ một ông lão có dáng người thanh mảnh, có cốt cách thanh cao, cao quý phải ở trong thân xác một người vũ phu, tục tĩu, thô lỗ. Chính sự đối nghịch giữa hồn và xác đã đảo lộn cuộc sống của Trương Ba và gia đình.
Nhan đề tác phẩm đã khẳng định ý nghĩa sâu sắc về vấn đề : Không thể sống trong cơ thể, thể xác của người không phải mình. Một tâm hồn cao quý không thể sống với thân xác của một kẻ xấu xa, tục tĩu. Qua đây, tác giả muốn gửi gắm đến mọi người một thông điệp là hãy sống là chính mình.
Đồng thời, tác giả phê phán, vạch trần bộ mặt những kẻ sống giả dối, sống vụ lợi, “ khẩu phật tâm xà”, miệng nói toàn lời hay ý đẹp nhưng trong tâm rất hiểm ác. Trong xã hội có rất nhiều con người như vậy, họ lợi dụng lòng tin, sự tin tưởng để lừa gạt người khác, miệng dùng những lời lẽ đẹp nhưng bản chất lại rất xấu xa.
Đồng thời, nhan đề tác phẩm còn nhắc nhở khéo những ai có thói ỉ lại, thích sống nương nhờ vào người khác, vào những thứ của người khác mà mình không có. Một câu nói của Trương Ba làm nhiều người phải suy nghĩ: “ Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt”. Câu nói của Trương Ba cho thấy ông cảm thấy rất tuyệt vọng, bế tắc khi mình phải sống dựa vào thân xác của một người khác với tính cách hoàn toàn trái ngược mình.
Hơn nữa, nhan đề tác phẩm là lời cảnh tỉnh cho những con người mu muội, chọn sai hướng đi của bản thân, bị những thú vui vô bổ lôi kéo. Những thanh niên bị bạn bè lôi kéo, dụ dỗ vào con đường nghiện ngập. Những cậu học trò ngây thơ, trong sáng lại bị game làm mờ mắt dẫn đến nghiện game rồi đi giết người, ăn trộm, ăn cắp. Tất cả chỉ để thân xác mình được thỏa mãn, rồi một ngày họ nhận ra thì tất cả đã quá muộn, không thể cứu chữa.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một vở kịch đặc sắc, in đậm trong lòng độc giả mỗi khi xem. qua bài viết Phân tích ý nghĩa nhan đề Hồn Trương Ba, da hàng thịt trên đây thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm tới tất cả mọi người chính là: Sống chỉ thật có ý nghĩa khi mình được sống là chính mình, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Dù trong bất kì hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng làm chủ bản thân để không bị dính vào các thói hư tật xấu. Mỗi cá nhân cố gắng sẽ giúp đất nước phát triển, xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc.