Đề bài: Anh chị hãy phân tích vẻ đẹp hình tượng cây xà nu trong tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành
Bài làm
Nguyễn Trung Thành là một trong số ít nhà văn có các tác phẩm nổi tiếng viết về vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ. Những truyện ngắn của ông không chỉ ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây mà còn toát lên khí chất của những người con nơi vùng đất anh hùng. Tiêu biểu trong số đó chính là tác phẩm “ Rừng xà nu” được ông viết vào thời kì kháng chiến chống Mĩ ác liệt. Hình tượng cây xà nu không chỉ gắn liền với vùng đất Tây Nguyên mà còn đại diện cho tinh thần kiên cường, bất khuất những con người nơi đây.
Cây xà nu từ xa xưa đã trở thành một phần máu thịt của người dân làng Xô Man. Đó là một loài cây thân gỗ, “mỗi cây cao vút, vạm vỡ, ứ nhựa, tán lá vừa thanh nhã vừa rắn rỏi mênh mông, tưởng như đã sống tự ngàn đời, còn sống đến ngàn đời sau, từng cây, hạng vạn, hàng triệu cây vô tận. Không khí ở đây thơm lừng…” . Cây xà nu qua lời kể của tác giả hiện lên thật hùng vĩ, khỏe khoắn, có thể chịu đựng được mọi tác động của thiên nhiên khắc nghiệt. Cuộc sống của dân làng từ lâu đã chẳng thể thiếu hình ảnh của cây xà nu trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Lửa xà nu cháy bập bùng trong nhà ưng tập trung cả dân làng để nghe cụ Mết kể về cuộc đời Tnú. Khói xà nu đen nhẻm thân hình lũ trẻ; khói xà nu còn làm tấm bảng đen cho anh Quyết dạy Tnú và Mai học chữ cụ Hồ… Tất cả những thứ của cây xà nu đều được người dân tận dụng để làm những đồ dùng cần thiết, từ nhựa, tới thân rồi ngọn lửa, bó đuốc. Cây xà nu đã thâm nhập vào trong từng ngõ ngách của cuộc sống, trở thành một nét đẹp trong văn hóa nơi đây.
Chẳng những vậy, cây xà nu còn gắn bó với dân làng trong những thời khắc khó khăn, quan trọng nhất. Nó tham gia vào mọi sự kiện của làng từ việc “dẫn cả dân làng đi vào rừng sâu lấy giáo mác chuẩn bị cho cuộc nổi dậy”, rồi đến việc chứng kiến bàn tay của Tnú bị giặc đốt khiến dân làng mở cuộc nổi dậy chống lại bọn giặc Mĩ. Cây xà nu giống như một người bạn, một người chiến sĩ luôn sát cánh cùng dân làng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.
Hình tượng rừng xà nu là hình ảnh đại diện cho số phận và phẩm chất của những con người làng Xô Man. Hàng này giặc tiến hành bắn phá ba lần đại bác vào ngôi làng nhưng hầu hết đều trúng vào rừng xà nu bên cạnh con nước lớn, khiến cho cả khu rừng không cây nào còn nguyên vẹn mà không bị xước xát gì. Có những cây bị đạn bắn ngang thân mình, đổ ào như một trận bão, còn có những cây khác bị đứt làm đôi, nhựa cây ứa ra, chất dầu ứa ra, chỉ năm mười hôm là cây chết. Những vết đau, những tổn thương mà rừng xà nu đang gánh chịu cũng giống như những mất mát mà nhân dân ta đang phải gánh chịu trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Rừng xa đứng đó hiên ngang, anh dũng, che chở bảo vệ cho cả dân làng trước những tàn phá của quân thù. Qua hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa này, tác giả như muốn tố cáo tội ác của kẻ thù. Mỗi cây xà nu ngã xuống giống như một người chiến sĩ tử trận nơi chiến trường, đó có thể là anh Xút, bà Nhan, mẹ con Mai hay anh Quyết, những người đã hi sinh cả cuộc đời mình vì sự nghệp bảo vệ tổ quốc.
Trong mưa bom bão đạn của chiến tranh, cây xà nu vẫn đứng đó hiên ngang và anh dũng, nó đẹp không chỉ vì ngoại hình cao lớn, mùi thơm của nhựa mà nó còn ẩn chứa một vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong giống như tâm hồn của một con người. Đó chính là tinh thần kiên cường, bất khuất, không chịu gục ngã trước mọi khó khăn, thử thách giống như những người con Tây Nguyên. Tác giả đã miêu tả sức sống mãnh liệt của rừng xà nu “Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời” . Rừng cây xà nu giống như bất diệt, không mưa bom bão đạn nào có thể quét sạch, giống như cụ Mết đã khẳng định “Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên, đố chúng nó giết hết được cả rừng xà nu này”. Quả thực qua bao nhiêu đợt tàn phá mà rừng xà nu vẫn đứng đó hiên ngang, không thể đánh gục giống như những con người nơi đây. Khi những thế hệ đi trước ngã xuống, lập tức lại có những thế hệ đi sau tiếp nối, không ngừng phát triển. Khi anh Xút, bà Nhan hi sinh thì đến thế hệ của Mai và Tnú, rồi khi thế hệ đó bị vùi chôn trôn trong bão đạn thì lại đến thế hệ của những bé Heng, bé Dít đang lớn. Đó như một lời khẳng định rằng dân tộc Việt Nam nói chung và dân làng Xô Man nói riêng sẽ không bao giờ đầu hàng, chấp nhận số phận trước kẻ thù xâm lược.
Phân tích vẻ đẹp hình tượng cây xà nu trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
Vẻ đẹp của cây Xà Nu còn được thể hiện ở chỗ nó loài cây ưa ánh sáng, luôn luôn vươn lên phía trước để sinh tồn. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, vô số những hạt bụi vàng bay ra từ nhựa cây thơm mỡ màng. Có thể nói cái đặc tính “ ham ánh sáng” của xà nu cũng giống như khao khát tự do, niềm tin vào cách mạng, vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của dân làng Xô Man. Niềm tin ấy có thể bị chà đạp, nhưng sẽ không bao giờ vụt tắt.
Trong rừng xà nu rộng lớn ấy, luôn có những cây đại thụ, to lớn, dẫu bom đạn như nào cũng không thể đánh đổ. Tác giả đã miêu tả “Có những cây xà nu cành lá xum xuê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ, đạn đại bác không giết nổi chúng. Những vết thương của chúng chóng lành như trên một cơ thể cường tráng. Cứ thế ba năm nay , rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình che chở cho cả dân làng”. Cả một rừng xà nu trùng trùng, điệp điệp nối tiếp nhau bảo vệ cho những con người nơi đây. Chẳng thế mà bao nhiêu thế hệ chiến sĩ đi qua, chưa có ai từng bị bắt hay giết trong rừng xà nu, cũng chính bởi vậy nó đã được người dân nâng lên một tầm cao mới đó chính là “ Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.
Bằng bút pháp xây dựng hình tượng nhân vật và các thủ pháp nghệ thuật khác, Nguyễn Trung Thành đã thành công trong việc xây dựng một hình tượng cây xà nu mang vẻ đẹp sử thi, hào hùng, tràn đầy sức sống. Đó cũng chính là đại diện cho các tầng lớp nhân dân nói chung và dân làng Xô Man trong việc kiên cường, bất khuất đấu tranh mọi kẻ thù xâm lược.