Viết về người mẹ kính yêu của em – Bài 1
Trong gia đình, ai cũng yêu thương em hết mực nhưng mẹ là người gần gũi, quan tâm, chăm sóc em nhiều nhất.
Mẹ em tên là Tạ Thị Hải Yến. Mẹ em năm nay ba mươi bảy tuổi. Mẹ có thân hình thon thả. Mái tóc mẹ để dài ngang vai rất hợp với khuôn mặt tròn bầu bĩnh. Nước da trắng hồng với cái cổ cao ba ngấn trông mẹ thật hiền hậu và kiêu xa. Đôi mắt mẹ đen láy dưới cặp lông mày đậm nét có sức quấn hút lạ kì. Đôi môi mẹ lúc nào cũng đỏ tươi dưới chiếc mũi dọc dừa đã khiến mẹ càng nhìn càng thấy đẹp. Hàm răng mẹ trắng và đẹp như những cánh hoa nhài xếp hàng đều đặn. Khi cười, trông mẹ thật xinh. Đôi bàn tay mẹ rám nắng các ngón tay gầy gầy xương xương vì mẹ đã rất vất vả chăm lo cho em và mọi người trong gia đình.
Mẹ em là cô giáo nên mẹ đã giúp em học đều các môn học.Ở nhà, mẹ là người đảm nhiệm công việc nội trợ. Mẹ dạy cho em các công việc nhẹ nhàng như: quét nhà, gấp quần áo, trông em… Nhiều hôm đi làm về dù rất mệt nhưng mẹ vẫn đi chợ mua đồ ăn ngon về cho gia đình thưởng thức. Các món mẹ chế biến rất hợp khẩu vị với các thành viên trong nhà và em thích nhất món cá kho mẹ làm để ăn lẫn cơm.Thỉnh thoảng, mẹ mua hoa về cắm ở phòng khách cho đẹp nhà. Mỗi khi khách đến, mẹ luôn đón tiếp niềm nở, nồng hậu, mời khách ăn hoa quả và uống nước mát. Mẹ luôn dậy sớm để chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà, để hai anh em cùng cắp sách đến trường kịp giờ học. Khi em ốm đau mẹ phải thức suốt đêm để chăm sóc. Mẹ mua thuốc cho em uống kịp thời. Mẹ nấu cháo và bón cho em. Tuy công việc giảng dạy học sinh bận rộn nhưng buổi tối mẹ thường dành thời gian để giảng bài cho em, ngoài kiến thức trong sách vở, mẹ còn dạy em biết sống đoàn kết với bạn bè, biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ với mọi người. Đặc biệt mẹ hay kể cho em nghe những câu chuyện mang tính chất giáo dục về đạo đức, lối sống. Mẹ em rất nhân hậu, hiền từ nên được nhiều người quý mến, kính trọng. Mẹ chưa bao giờ mắng em. Mỗi khi em mắc lỗi, mẹ dịu dàng nhắc nhở em sửa lỗi. Chính vì mẹ đã dạy cho em những điều hay lẽ phải mà em rất kính phục mẹ.
Mỗi khi được mẹ ôm ấp trong vòng tay ấm áp của mẹ, em thấy mình thật hạnh phúc vì có mẹ. Trong trái tim con, mẹ là tất cả. Con luôn yêu thương mẹ và tự hào vì được làm con của mẹ. Tấm lòng của mẹ bao la như biển cả đối với con và con hiểu rằng không ai thương con hơn mẹ. Con yêu mẹ hơn tất cả mọi thứ trên cõi đời này vì mẹ chính là mẹ của con. " Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ…." “Tình mẹ bao la như biển Thái Bình”. Em mong sao cho mình mau lớn để có thể giúp cho mẹ đỡ vất vả hơn. Em hứa sẽ chăm học và cố gắng học thật giỏi để báo đáp công ơn sinh thành nuôi nấng của mẹ.
Em rất yêu quý mẹ của em vì mẹ không chỉ sinh ra em mà còn làm tất cả vì em.
Viết về người mẹ kính yêu của em – Bài 2
Vậy là mùa thu lại đến với những tiếng trống trường vang lên rộn rã. Trên khắp mọi nẻo đường các bạn học trò lại náo nức chào đón một năm học mới. Và tôi cũng vậy, tâm trạng bồi hồi và xen lẫn thật nhiều cảm xúc mà tôi cũng không thể gọi tên và cũng thật khó để nói nên lời. Có lẽ với tôi, đây mới thật sự là những kỉ niệm về “ Ngày đầu tiên đi học”.
Tôi còn nhớ rất rõ, ngày tôi mới bước chân vào lớp Một, khác với những bạn bè cùng lớp, khi buổi đầu tiên đến trường biết bao nhiêu rụt rè, bỡ ngỡ và hình như xen lẫn cả những sợ hãi, lo âu thì tôi lại hồ hởi và có vẻ tự tin bởi người dang rộng vòng tay chào đón tôi khi ấy không ai khác chính là Mẹ tôi.
Mẹ tôi là cô giáo chủ nhiệm của tôi.Mẹ thật nghiêm khắc, quan tâm và thấu hiểu tôi hơn ai hết.Có chuyện buồn, chuyện vui, tôi đều chia sẻ cùng mẹ. Mẹ thật tuyệt vời trong mắt tôi và các bạn của tôi. Tôi luôn cảm thấy thật hạnh phúc vì có mẹ. Thời gian thấm thoát trôi đi.Thoắt cái, tôi đã mười một tuổi rồi. Tôi cùng các bạn phải nói lời tạm biệt với mái trường tiểu học, với thầy cô, với những kỉ niệm buồn vui của tuổi thơ êm đềm. Ngày chia tay, trong tôi trào dâng lên những cảm xúc thật khó tả và phải nói thật tôi vừa vui nhưng lại vừa lo bởi khi năm học mới đến tôi sẽ được vào học ở mái trường trung học mà tôi mơ ước. Nhưng ở đó không có mẹ mà tôi sẽ phải tự mình xoay sở.
Năm nay, tôi đã bước sang một cấp học mới rời xa vòng tay âu yếm của mẹ. Lần đầu tiên được bước chân vào mái trường trung học khiến tôi lo lắng vô cùng. Nhưng cô giáo chủ nhiệm mới đã chào đón tôi bằng một nụ cười thân thiện khiến tôi có cảm giác ấm áp đến lạ thường. Và tôi cảm thấy mẹ mình như đang ở bên cạnh hay cô chính là người mẹ thứ hai của tôi!
Tôi xin gửi đến hai người mẹ của mình những lời chúc tốt đẹp nhất, tôi mong sẽ được mẹ và cô luôn dìu dắt để tôi vững bước trong từng bước đi của mình.
Viết về người mẹ kính yêu của em – Bài 3
Mẹ tôi làm nghề thợ xây. Có lẽ đó là điều làm tôi xấu hổ với mọi người. Tôi muốn mẹ làm công chức hay buôn bán, hay ít ra cũng phải làm công nhân nhà máy như mẹ của lũ bạn tôi. Ấy vậy mẹ tôi chỉ là người đi phụ xây vất vả, lúc nào cũng mặc những bộ quần áo cũ rich đến lạ kì.
Bố tôi mất năm tôi 2 tuổi do tai nạn giao thông. Tôi cảm thấy mình thiệt thòi khi còn chưa nhớ rõ hình ảnh về bố cũng như thiếu đi tình cảm của bố rong tiềm thức. Thấy lũ bạn cùng trang lứa được bố đưa đi đón về, được ôm vào lòng hỏi han, chuyện trò, đó là niềm hạnh phúc của bao đứa trẻ, tôi cảm thấy thèm muốn vô cùng. Tôi ở với mẹ trong một căn nhà cấp 4 dột nát, chật chội cho đến nay. Mặc dù nhà tôi không khá giả nhưng mẹ luôn lo cho tôi nhiều nhất có thể, dành tặng tôi tất cả tình cảm. Biết tôi thiếu đi khoảng trống của hình bóng người cha trong cuộc đời, mẹ đã cố gắng hết sức để bù đắp khoảng trống đó để tôi có thể là đứa trẻ hạnh phúc. Hàng ngày mẹ tôi đi phụ xây, mỗi tháng kiếm được gần 3 triệu. Số tiền đó đối với bố mẹ của chúng bạn thì chẳng là gì nhưng đối với mẹ đó là những đồng tiền xương máu quý giá nuôi sống hai mẹ con tôi cả tháng trời.
Mẹ tôi ăn mặc rất lạ lung, nhất là so với mẹ của lũ bạn. Những người thợ xây thường mặc bộ quần áo bảo hộ lao động xanh dương với cái mũ quai nhựa, nhưng mẹ tôi lại khác. Mẹ thường mặc chiếc quần vải đen cũ rich đã xuồi chỉ với cái áo sơ mi kẻ trắng úa vàng in những vệt bụi bặm do phải khuân vác cây chống, giàn giáo nhiều. Mái tóc đen mượt của thời con gái ngày nào giờ đã xơ đi nhiều và lấm tấm sợi bạc, cùng với những nếp nhăn trên khuôn mặt đen nhẻm, trông mẹ già đi rất nhiều. Hàng ngày mẹ thường đưa tôi đi học về trên chiếc xe đạp cũ luôn bị trục trặc nên mẹ toàn phải dừng giữa đường để sửa. Tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng khi lũ bạn đi qua trêu chọc.
Nhưng điều làm tôi xấu hổ nhất là công việc của mẹ. Có lần tôi đã nhìn thấy mẹ phụ xây khi tan học sớm. Mẹ thường phải xúc vữa, sàng cát…rất vất vả, nhọc nhằn, hay phải đi sớm về muộn, dầm mưa dãi nắng. Nhìn đôi tay mẹ làm mọi việc, đôi chân phồng rộp do phải đi nhiều, tôi thấy thương mẹ vô cùng, thấu hiểu phần nào nỗi cơ cực, vất vả của mẹ. Nhưng trong tôi lại cảm thấy có chút gì đó bất an bởi nơi mẹ làm là một công trình ngay gần con đường chúng tôi đi học về. Tôi lo sợ rằng tụi bạn trong lớp sẽ nhìn thấy mẹ tôi và quay sang chế nhạo, châm chọc tôi về mẹ. Điều đó làm tôi rất sợ.
Và…quả không sai, cái tai họa đó ập xuống đầu tôi như những gì mà tôi đã lo lắng từ trước. Hôm đó, lớp tôi có tiết trống nên được về sớm hơn, mấy đứa bạn trong lớp không được bố mẹ đón nên đã tự rủ nhau đi bộ về qua con đường nơi mẹ tôi đang làm, và tôi cũng đi cùng. Nhưng tụi nó không cho tôi tham gia đi cùng để nói chuyện, chúng cứ nhìn tôi một cách coi thường vì biết nhà tôi nghèo. Tôi tự hỏi tại sao chúng lại đối xử với mình như thế. Tôi xứng đáng bị như vậy lắm sao? Trong lòng tôi tủi thân muốn phát khóc. Nhưng đây mới là tai họa giáng xuống đầu tôi một cách đau đớn vô cùng khi có một thằng trong nhóm bạn chợt dừng lại, chỉ tay về phía công trường, nơi mẹ tôi đang làm, nói thật to với tụi bạn: “Ê chúng mày ơi, kia có phải mẹ của con Thu không?” Mọi ánh mắt đều dồn về phía mẹ tôi và xì xào bàn tán: “ Không thể ngờ nổi đây là mẹ nó!”, “Trông mẹ mày kìa, đồ nhà nghèo!”…Những lời chỉ trích đó làm tôi thấy chúng thật đáng ghét. Tôi ước gì bầu trời đổ ập ngay xuống đầu để tôi quên đi mọi thứ. Những lời nói ấy đã xúc phạm đến mẹ tôi và cả tôi nữa. Nỗi xấu hổ ấy không để đâu cho hết được.
Tối về nhà, như bao ngày, mẹ tôi vẫn nở nụ cười trìu mến để thể hiện sự quan tâm và yêu thương tới tôi mặc dù mẹ rất mệt mỏi. Có lẽ mẹ vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra. Trong tôi không nguôi một nỗi ấm ức về buổi sáng nay, tôi nói với mẹ:
- Mẹ ơi hôm nay lũ bạn lớp con cứ chế nhạo nghề nghiệp của mẹ.
- Không sao đâu con, nghề nào mà chẳng đáng tôn trọng,nếu như chúng ta làm việc lương thiện, trong sạch là được- mẹ tôi giảng giải.
- Nói như mẹ thì ai mà chẳng nói được – tôi vùng vằng – tại sao mẹ lại không làm nghề như bao người mẹ của các bạn khác? Tại sao mẹ lại nào cái nghề vất vả, cơ cực, luôn bị mọi người coi thường như thế? Mẹ không hiểu rằng con cần một hình ảnh người mẹ hoàn hảo để mỗi khi nhìn vào con thấy tự hào?
Mẹ nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên, sửng sốt. Thấy mẹ lúng túng, thoáng nét buồn buồn trên đôi mắt, tôi hối hận vì thái độ của mình khi trước. mẹ tôi trả lời với vẻ buồn rầu:
Nói đến đây, bỗng dưng cả tôi và mẹ đều nhòa nước mắt. Tôi lại cảm thấy xấu hổ, nhưng lần này là xấu hổ với chính bản thân mình. “Mẹ ơi, con xin lỗi…", câu nói như mắc nghẹn ở cổ họng khiến tôi không nói nên lời. Lâu nay tôi đã quá ích kỉ, chỉ biết nghĩ cho riêng mình mà không hay mẹ đã thầm lặng hi sinh cho tôi biết bao nhiêu. Bất giác tôi ôm lấy mẹ mà khóc. Mẹ cũng ôm tôi vào lòng thật hiền dịu: “Mẹ hiểu mà con gái…”
Viết về người mẹ kính yêu của em – Bài 4
“ Buổi sớm mai ướm bước chân mình lên vết chân trên cát
Bà mẹ đã cho ra đời những Phù Đổng thiên vương
Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay những anh hùng
Là bác học… hay là ai đi nữa
Vẫn là con của một người phụ nữ
Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên”
Nhà thơ Xuân Quỳnh với những vần thơ bình dị làm tôi chợt nghĩ về tình mẫu tử. Mẹ- tiếng gọi thân thương mà chứa đựng biết bao ấm áp, bao niềm vui, bao hạnh phúc. Có lẽ rằng, trong nền văn học việt Nam hình tượng người mẹ luôn là nguồn cảm hứng lớn cho các nhà thơ nhà văn. Ta đã bắt gặp công ơn bao la trời bể của mẹ trong câu thơ của Nguyễn Duy
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết những lời mẹ ru
Từng vần thơ vang lên làm cho chúng ta day dứt khôn nguối. Tiếng thơ ngọt ngào ẩn chứa tình cảm của mình rung động bao trái tim bạn đọc. Tuy nó không mĩ miều về ngôn ngữ, nhưng vẫn có sức lay thức tận nhưng miền sâu thẳm trong trái tim của mỗi chúng ta- những người con đất Việt. Tình cảm biết ơn được thể hiện ở dòng cảm xúc vừa lắng đọng vừa thiêng liêng. Với tôi, tôi không thật sự hiểu sâu sắc về tình Mẫu tử, nhưng tôi có thể cảm nhận được những tình cảm thiêng liêng và sâu sắc của nó. Nếu như bạn hỏi tôi tình Mẫu tử như thế nào thì có lẽ tôi sẽ không thể trả lời bạn được, nhưng tôi có thể dùng cả cuộc đời của mình để nói cho bạn biết về sự thiêng liêng của tình mẫu tử, tôi sẽ kể về câu chuyện của tôi cũng như câu chuyện của người khác, tôi sẽ biểu đạt cho bạn biết được tình cảm của tôi cũng như tình cảm của người khác…Đối với tôi, tình Mẫu tử là thiêng liêng hơn cả!
Tình mẫu tử là tình cảm thương yêu đùm bọc, chở che vỗ về… không quản mưa nắng mà người mẹ dành cho con. Dòng sữa ngọt ngào nuôi con lớn lên hàng ngày, lời ru êm đềm tưới mát tâm hồn con thắp lên những ngọn lửa cháy bỏng trong con người con. Những bữa cơm con ăn, quần áo con mặc đều được trả bằng những giọt mồ hôi của mẹ, của cha. Giọt mồ hôi ấy là minh chứng cho tình yêu thương con của người mẹ. Dù có vất vả như thế nào thì mẹ vẫn cố gắng làm việc để con có thể vui tươi cắp sách tới trường cho bằng bạn bằng bè. Không một lời kêu ca, than phiền người mẹ vẫn lặng lẽ hi sinh. Điều này làm tôi nhớ đến câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm:
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng những giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi
Những người con được mẹ chăm ẵm cứ lớn cao hơn, còn bầu bí của mẹ thì giàn leo từng quả cứ dài ra "lớn xuống". Câu thơ tạo được vế đối giữa "lớn lên" và "lớn xuống" ở cả hai chiều cao và sâu của cuộc đời, của không gian và thời gian, ta đều thấy in dấu của bàn tay mẹ. Nhưng có lẽ ý vị và mới mẻ hơn là trong sự liên tưởng so sánh giữa giọt mồ hôi vất vả của mẹ nuôi ta khôn lớn, nó cứ dài ra, nặng thêm như những quả bầu, quả bí. Có thể nói đây là những câu thơ tài hoa nhất trong bài, khắc sâu sự hy sinh thầm lặng của mẹ, và lòng biết ơn vô bờ của người con về công dưỡng dục sinh thành của mẹ hiền. Cây trả công cho người bằng những mùa quả, và người trồng cây cứ hy vọng mùa sau tốt hơn mùa trước, mong cho cây trĩu cành sai trái. Còn cái "vườn người" của mẹ, ngoài chín tháng mười ngày thai nghén khổ đau, mẹ mong từng giờ đứa con của mình tập nói, tập đi những bước đi đầu tiên trong đời. Tâm trạng của mẹ cứ thấp thỏm, lo âu, buồn vui theo dòng chảy của thời gian cho tới lúc "thất thập cổ lai hy".
Niềm vui, giọt nước mắt, hạnh phúc xen lẫn đau đớn tuôn trào và vỡ òa ra khi con cất tiếng khóc chào đời. Tình cảm ấy vừa là động lực, vừa là hành trang trên con đường dài rộng của con sau này. Nhờ sống trong tình mẫu tử mà ta có được sức mạnh để vượt lên khó khăn trong cuộc sống. Con vấp ngã, mẹ hiền từ đỡ con dậy, tiếp cho con nghị lực, con có lỗi mẹ sẵn sàng tha thứ, dang rộng vòng tay giúp con có thời cơ để chuộc lại lỗi lầm như câu hát: ”Mẹ yêu hỡi những vấp ngã trong đời. Có lúc khóc khi cười thì mẹ luôn sát bên”.
Vì vậy chúng ta hãy làm những điều hay lẽ phải để báo đáp công ơn trời bể của mẹ. Đừng để những giọt nước mắt lăn trên gương mặt của người phụ nữ vĩ đại ấy. Ta hãy cảm ơn cuộc đời vì đã ban cho con một người mẹ giàu đức hi sinh, yêu thương dạy dỗ con nên người.