Giải thích câu tục ngữ Chết đứng như Từ Hải ngắn gọn
Hướng dẫn
Hình tượng Từ Hải trong truyện Kiều của Nguyễn Du đã để lại cho nhân dân ta những ấn tượng sâu sắc. Đây là một bậc trượng phu khác người. Cái diện mạo “râu hùm, hàm én, mày ngài, vai năm tấc rộng thân mười thước cao” đã thể hiện một con người có sức mạnh vô song. Hơn thế nữa Từ là kẻ ngang tàng, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Không chịu luồn cúi triều đình phong kiến, Từ đã dấy binh khởi nghĩa. Với tài thao lược “gươm đàn nửa gánh non sông một chèo” chàng đã lập nên một vương quốc, một triều đình riêng. Trong con mắt của triều đình phong kiến chính thống, Từ là kẻ phiến loạn, là giặc mang tội bất trung. Tội ấy đáng chém đầu. Nhưng với một vương triều mạnh, với một con nguời tài giỏi như Từ, đánh đổ đâu dễ dàng. Chúng nghĩ ngay kế mua chuộc và dụ hàng. Nhà vua cử tên tổng đốc trọng thần “mặt sắt đen sì” Hồ Tôn Hiến làm nhiệm vụ này. Hồ Tôn Hiến nghĩ ngay ra diệu kế. Bấy giờ, nàng Kiều sau bao năm lưu lạc đã thành vợ của Từ Hải. Hồ Tôn Hiến dùng vàng bạc mua chuộc Kiều mong nàng tìm cách thuyết phục Từ Hải quy hàng triều đình. Cả tin lại chán ghét cảnh bèo dạt mây trôi, Kiều đành nhận lời. Bởi nghe lời Kiều, Từ Hải đã quy hàng. Những tưởng triều đình sẽ ban thưởng chức tước như đã hứa, nhưng tráo trở thay nhân cơ hội này, Hồ Tôn Hiến đã giết Từ Hải. Người anh hùng đã chết, chết trong sự oan ức. Từ chết đứng “trơ như đá, vững như đồng, ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời”.
Từ hình ảnh chết đứng của Từ Hải như vậy, trong tiếng Việt xuất hiện thành ngữ “chết đứng như Từ Hải”. Thành ngữ này còn một biến thể khác là “như Từ Hải chết đứng”. Về ý nghĩa, thành ngữ “chết đứng như Từ Hải” biểu thị trạng thái đứng đờ ra của con người khi bị tác động đột ngột, không ứng xử kịp nhất là trước những niềm vui nỗi buồn, sự đau khổ bất ngờ.
Theo Hocsinhgioi.com