Đề bài: Phân tích bài Bức tranh của em gái tôi
“Bức tranh của em gái tôi” – một câu chuyện rất nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa. Tác giả Tạ Duy Anh chỉ xoay quanh một bức tranh và hai đứa trẻ nhưng lời nhắn nhủ về lòng ích kỷ, sự vi tha và giàu yêu thương trong đó lại được gửi đến tất cả mọi người.
Tạ Duy Anh đã tự mình đóng vai người anh kể lại câu chuyện để được bộc lộ cảm xúc một cách tự nhiên và chân thực nhất. Dưới con mắt của người anh, cô em gái tên Kiều Phương hoàn toàn không có chút tài hoa gì về vẽ tranh. Khi thấy em vẽ, anh chỉ xem đó là trò nghịch ngợm của em. Nhưng khi chú Tiến Lê phát hiện ra sự thật ngược lại suy nghĩ của anh, em gái Kiều Phương không những vẽ tranh đẹp mà còn có năng khiếu nữa. Từ đó, mọi người chú ý đến em nhiều hơn, người anh thấy vậy, tự cho mình bị bỏ rơi, bị lãng quên nên đã tỏ lòng ganh ghét em. Thế nhưng sự đố kỵ và lòng ích kỷ của anh đã không làm cho người em phản ứng tiêu cực. Mà ngược lại, nhân vật anh đã chợt thức tỉnh khi món quà nhận được từ em gái lại chính là bức tranh em vẽ mình. Em vẽ không những đẹp mà còn thể hiện đó là một người anh hiền hậu với đôi mắt “tỏa ra một thứ ánh sáng lạ”. Cho đến lúc này, “bức tranh của em gái tôi” đã hóa giải tất cả những đố kỵ trong lòng anh khiến anh thấy xấu hổ và hối hận vô cùng.
Người anh trong câu chuyện chính là sự hiện thân của những con người hẹp hòi, ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình và coi thường người khác. Trong xã hội hiện nay, có không ít những con người như vậy. Họ sống mà không quan tâm, giúp đỡ người khác, sống chỉ vì lợi ích của bản thân mà quên mất mọi người xung quanh. Ngược lại, người em tuy còn nhỏ nhưng trong suy nghĩ của em, người anh lại là một con người hoàn toàn khác, một con người hoàn hảo có ánh mắt phát ra thứ ánh sáng lạ, một con người mà khi em vẽ lên đã xứng đáng nhận giải. Bức tranh ấy chính là cái gương để người anh soi lại bản thân mình. Anh ngỡ ngàng vì sau tất cả những gì mình đối xử với Kiều Phương, em vẫn yêu thương và trân trọng mình đến thế. Trong con mắt của em, anh vẫn là một người anh tốt và hoàn mỹ. Bức tranh khiến cho anh thức tỉnh và hối hận.
Có lẽ tác giả đã cố tình xây dựng tình huống xảy ra giữa hai đứa trẻ nhỏ để ngầm nói rằng, ngay cả một đứa con nít còn có lòng vị tha huống chi là người lớn. Câu chuyện nhẹ nhàng nhưng đã tạo tiếng vang lớn trong lòng người đọc. Đồng thời, đây chính là lời nhắc nhở cho em cũng như bao bạn khác tự nhìn nhận lại bản thân mình, tự bỏ đi những phút giây còn ích kỷ hẹp hòi, thay vào đó là yêu thương nhiều hơn, vị tha nhiều hơn.
Nguồn: Tài liệu văn mẫu