Văn mẫu lớp 8

Phân tích bài Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu

  • Google+
  • Linkedin
  • Pinterest

Đề bài: Phân tích bài Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu

Trong số những chiến sĩ cách mạng kiên cường ba mươi năm đầu thế kỉ hai mươi, ta không thể không nhắc đến Phan Bội Châu, người mà theo như Hoài Thanh là có "một tấm lòng yêu nước thiết tha,sôi nổi…từ tuổi ấu thơ cho đến ngày tắt thở". Vì tình yêu ấy ông đã "từ giã bạn bè ra đi,bỏ vợ,bỏ con ra đi" để làm cách mạng. Và trên chặng đường ấy,có lúc ông gặp cảnh tù đày. Nhưng với ông,tù đày chỉ là chốn nghỉ chân trong chốc lát. Bởi thế năm 1913,khi bị bắt giam tại Quảng Đông (Trung Quốc),ông đã viết bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác". Cho đến ngày nay, tác phẩm vẫn còn giữ nguyên được giá trị của nó.

Phan Bội Châu xuất thân Nho học song lại là người có tinh thần tiên tiến,bắt nhịp với thời đại mới. Cái chí khí "giàu sang không thể làm cho mê đắm, nghèo khó không thể làm cho thay lòng đổi dạ,uy vũ không thể làm cho khuất phục" của một nho gia đã biến thành bản lĩnh vững vàng, thành cốt cách anh hùng trước cơn tai biến nguy nan của một chí sĩ cách mạng. Trên hành trình tìm đường cứu nước, Phan Bội Châu chịu không ít gian khổ,cay đắng. Khi thì bị trục xuất khỏi Nhật, lúc bị truy lùng săn đuổi ở Xiêm La và nay là cảnh lao tù trong nhà ngục của bọn quân phiệt Quảng Đông. Đối với cụ Phan,bước chân vào nhà tù đồng nghĩa với việc cận kề cái chết. Bởi trước đó, chính quyền thực dân Pháp đã kết án tử hình cụ. Tuy nhiên,bài thơ không hề có chút bi quan,tuyệt vọng,mà ngược lại, bao trùm lên đó là một âm hưởng hào hùng. Âm hưởng ấy được tạo nên bởi cảm xúc trữ tình cách mạng mãnh liệt.

Trước hết,chúng ta hãy cùng nhau đọc lại bài thơ để cảm nhận được cái hào khí của một bậc anh hùng hào kiệt:

"Vẫn là hào kiệt,vẫn phong lưu

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

Đã khách không nhà trong bốn biển,

Lại người có tội giữa năm châu.

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,

Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Thân ấy vẫn còn,còn sự nghiệp,

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu"

Tám câu thất ngôn bát cú Đường luật giản dị,tự nhiên mà hàm chứa thật nhiều ý nghĩa. Càng đọc bài thơ, ta càng cảm phục tư thế lẫm liệt của người cách mạng lúc sa cơ lỡ bước lâm vào cảnh tù ngục hiểm nghèo.

Bài thơ mở đầu bằng hai câu thơ với khẩu khí rất ngang tàng,ngạo nghễ:

"Vẫn là hào kiệt,vẫn phong lưu

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù".

Ta nghe như trong câu thơ có tiếng cười của một con người coi thường mọi gông cùm,xiềng xích,coi nhà tù của bọn đế quốc chỉ là nơi tạm nghỉ,tạm dừng chân trên con đường cách mạng của mình. Với tư thế của một con người không bị trói buộc bởi gông cùm,ở cụ Phan toát lên một phong thái ung dung,thanh thản,đường hoàng,tự tin. Phong thái ấy chỉ có thể có ở những con người biết làm chủ hoàn cảnh. Con người ấy có quyền ngẩng cao đầu kiêu hãnh tự khẳng định mình: "Vẫn là hào kiệt,vẫn phong lưu". Sau gần mười năm bôn ba hải ngoại,tìm đường cứu nước (1905-1913),Phan Bội Châu lúc hoạt động ở Nhật,lúc sang Thái Lan, lúc ở Trung Quốc. Bốn tiếng "thì hãy ở tù" vừa là chấp nhận cảnh ngộ tù đày, vừa là một sự thách đố, thể hiện một thái độ rất bình tĩnh,rất chủ động trước tai ương, hoạn nạn. Hai câu đề biểu thị cốt cách kẻ sĩ anh hùng.

Từ giọng ngang tàng, ngạo nghễ ở hai câu đề,bài thơ chuyển sang giọng trầm ở hai câu thực. Mạch cảm xúc trữ tình có pha chút chua xót,cay đắng:

"Đã khách không nhà trong bốn biển

Lại người có tội giữa năm châu".

Hai câu thực nói về cuộc đời người chí sĩ cách mạng: phải xa gia đình,quê hương đất nước,bôn ba hải ngoại,phải nếm trải mọi thử thách gian truân,chịu cảnh tù tội. Câu thơ giúp ta hình dung ra cuộc đời bôn ba chiến đấu đầy sóng gió, hiểm nguy mà cụ Phan từng nếm trải. Nhưng tại sao lại là "khách không nhà trong bốn biển"? Mười năm trời lênh đênh lưu lạc thì làm gì có nhà. Vả lại nước đã mất thì nhà cũng tan. Tình cảnh của nhà cách mạng yêu nước quả thật là một bi kịch lớn,khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi. Một người yêu nước sâu sắc và mạnh mẽ như cụ Phan, thương xót đồng bào hơn cả bản thân mà bỗng trở thành người có tội,bị săn đuổi,truy lùng và kết án tử hình. Đối với bọn đế quốc thực dân,những ai yêu nước,muốn cứu nước,cứu dân tộc đều bị coi là "có tội". Cái "tội" đó chúng không chỉ gán riêng cho cụ Phan mà còn có bao nhà cách mạng khác như Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc…cũng bị lâm vào hoàn cảnh này. Đọc hai câu thơ, ta bỗng thấy tầm vóc của nhà tù yêu nước trở nên lớn lao,phi thường. Như vậy,đằng sau bi kịch riêng của những chí sĩ cách mạng là bi kịch của cả dân tộc, là tình cảnh thương tâm của cả một đất nước. Nỗi đau của cụ Phan không còn là nỗi đau riêng mà trở thành nỗi đau lớn lao của cả dân tộc.

Đối với bậc anh hùng,đau thương nhưng không bi lụy. Người tù chỉ để lòng mình lắng xuống một chút với cảm xúc thương đau rồi quay trở lại với khí phách ngang tàng ban đầu:

"Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế

Mở miệng cười tan cuộc oán thù".

Hai câu thơ đối nhau,ngôn ngữ trang trọng diễn tả một chí khí hiên ngang,một chí lớn phi thường của người anh hùng muốn làm nên sự nghiệp vĩ đại. "Bủa tay","ôm chặt" nói lên một tư thế hào hùng,một quyết tâm không gì lay chuyển nổi,một lý tưởng sáng ngời: giúp đời cứu nước! "Cuộc oán thù" là cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai bán nước. Hai chữ "cười tan" thể hiện một ý chí,nung nấu căm thù. Giọng thơ hào hùng. Thủ pháp nghệ thuật được sử dụng đặc sắc: hình ảnh kì vĩ,các động từ gợi tả mạnh mẽ (ôm chặt,cười tan) đã dựng lên hình ảnh một đấng nam nhi,một trang anh hùng,một bậc trượng phu hào kiệt dù bị giam trong tù ngục nhưng vẫn lạc quan,bất khuất. Hai câu luận đã bày tỏ được khát vọng mãnh liệt mà cụ Phan từng ôm ấp: khát vọng kinh bang tế thế. Hình ảnh thơ có tính chất lãng mạn kiểu anh hùng ca khiến nhân vật trữ tình dường như không còn là con người thật,con người nhỏ bé bình thường trong vũ trụ nữa mà vụt lớn lên,từ tầm vóc đến năng lực đều trở nên hết sức lớn lao.

Hai câu thơ cuối khẳng định một niềm tin mạnh mẽ,biểu lộ một khí phách hiên ngang. Tin mình vẫn tồn tại,"vẫn còn" sự nghiệp cứu nước,cứu dân là chính nghĩa đang mở rộng ở phía trước. Chữ "còn" điệp lại hai lần,giọng thơ thêm hùng hồn,niềm tin tưởng,lạc quan thêm chói sáng:

"Thân ấy vẫn còn,còn sự nghiệp

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu".

Đang bị gông cùm trong tù ngục nguy hiểm,nay mai phải bước ra pháp trường,"bao nhiêu nguy hiểm" máu chảy đầu rơi,thịt nát xương tan nhưng với cụ Phan thì "sợ gì đâu". Trước vòng nguy hiểm cụ vẫn hiên ngang,thách thức, vẫn bất khuất,kiên cường. Một lần nữa ta cảm nhận được tư thế hiên ngang của con người đứng cao hơn cái chết. Lời thơ dõng dạc,dứt khoát như chính ý chí gang thép của người tù cách mạng. Kẻ thù có thể giam cầm,đọa đày, sát hại những người yêu nước nhưng niềm tin sắt son và ý chí chiến đấu của họ thì chúng không bao giờ khuất phục được. Phan Bội Châu đã thể hiện một tâm thế "uy vũ bất năng khuất" của nhà cách mạng chân chính.

Cả bài thơ toát lên một tinh thần bất khuất,một tư thế vững vàng của một bậc trượng phu trong cơn sóng gió. Truyền thống yêu nước,chí khí anh hùng của dân tộc đang tiếp tục mạch chảy bất tận trong tâm huyết chí sĩ Phan Bội Châu. Hình ảnh người anh hùng đã tạc vào lịch sử như một minh chứng cho tinh thần yêu nước,xả thân vì lý tưởng chính nghĩa. Bài thơ khép lại mà âm hưởng hào hùng của nó như còn ngân vang mãi trong lòng độc giả. Càng đọc bài thơ,ta càng xúc động bởi nguồn cảm xúc trữ tình mãnh liệt của tác giả đã truyền sang ta. "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" mãi là viên ngọc quý trong thơ văn Phan Bội Châu nói riêng và là một khúc tráng ca anh hùng của nền thơ văn yêu nước cách mạng Việt Nam.

Nguồn: Tài liệu văn mẫu

  • Google+
  • Linkedin
  • Pinterest

Post Comment