Đề bài: Cảm nhận về bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính.
Nguyễn Bính là thi sĩ của đồng quê, như nhà văn Tô Hoài từng nhận xét: “Chỉ có quê hương mới tạo ra được từng chữ, từng câu Nguyễn Bính. Trên chặng đường ngót nửa thế kỉ đề thơ, mỗi khi những gắn bó mồ hôi nước mắt kia đằm lên, ngây ngất, day dứt không thể yên, khi ấy xuất hiện những bài thơ tình yêu tuyệt vời của Nguyễn Bính”. Để bàn luận đến phong cách thơ bình dị, mộc mạc, đậm chất thôn quê của Nguyễn Bính, chúng ta không thể nào không nhắc đến “Tương tư”.
Cũng như các nhà thơ lãng mạn đương thời, Nguyễn Bính say mê với đề tài tình yêu. Nhưng cách biểu hiện thì Nguyễn Bính theo một lối riêng.Trong phong trào thơ mới, ông đã tạo ra một dòng riêng. Trong khi các nhà thơ lãng mạn hướng về phương Tây, chịu ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây, thì Nguyễn Bính hướng về nghệ thuật dân tộc, chịu ảnh hưởng của thơ ca dân gian. Với “Tương tư”, Nguyễn Bính bắt đầu chủ đề tình yêu bằng một nỗi nhớ:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người”
Bài thơ có chủ đề viết về nỗi tương tư, vậy tương tư là gì? Theo từ điển Tiếng việt, tương tư dùng để chỉ trai gái nhớ thương nhau. Còn trong cuộc sống hàng ngày, tương tư là chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương, thầm kín của người con người với đối tượng mà mình có cảm tình hoặc yêu thích. Vậy mới nói, tình yêu nào cũng bắt đầu bằng nỗi nhớ, và tình yêu trong “Tương tư” cũng vậy. Cũng là nhớ, nhưng là “chín nhớ mười mong”, là nhớ thương khắc khoải. Cái nỗi nhớ da diết tưởng chừng như không đong đếm được được nhà thơ gói gọn trong bốn chữ “chín nhớ mười mong” nhưng lại càng khiến cho nỗi nhớ như trải rộng thêm ra, đầy thêm lên. Nỗi nhớ ấy quen thuộc như trong ca dao xưa:
“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than”
Nỗi nhớ ấy chính là tương tư, chính là biểu hiện của tình yêu! Đến hai câu thơ tiếp theo, nhà thơ đã khẳng định đó chính là tình yêu! Vì yêu nên mới “chín nhớ mười mong”, vì yêu nên mới tương tư, chờ đợi:
“Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.
Đến đây, nỗi nhớ đã được chỉ đích danh. Đó là nỗi nhớ của tình yêu, nỗi nhớ của một người con trai dành cho một người con gái. Người con trai đang yêu này là con người có gốc rễ sâu xa với làng mạc quê hương. Vì thế, đến cả cái chất yêu, cái chất nhớ cũng đượm tình quê, hồn quê bình dị mà chân thật. Thơ của thi sĩ lãng mạn mà như của dân dã, nỗi nhớ mộc mạc mà lại đằm thắm, tâm tư. Nguyễn Bính thích lối cụ thể hóa cái trừu tượng của ca dao, cụ thể ra thành chữ số (yêu nhau tam tứ núi cũng trèo), nhưng lại có cấu trúc điêu luyện của thơ:
“Một người chín nhớ mười mong Một người”
“Một người” đứng ở hai đầu câu thơ, tạo ra một khoảng cách, diễn tả sự xa cách, nhớ mong như vậy quả là hay, quả là độc đáo! Tâm trạng của người tình đơn phương cũng được mở ra với trời đất. Rằng trời cao kia cứ nắng cứ mưa, còn “tôi” đây dù nắng dù mưa vẫn một nỗi lòng yêu thương, nhớ nhung “nàng”.
Có lẽ đây chính là hai câu thơ được nhiều người nhớ nhất, nhiều người nhắc tới nhất của “Tương tư”- Nguyễn Bính. Bởi nó không chỉ là tâm trạng của chàng trai thôn quê trong riêng “Tương tư” mà còn là nỗi niềm chung của biết bao chàng trai đang yêu khác, câu thơ như nói thay tâm tư của họ.
Thương thầm nhớ trộm, đơn phương vẫn biết “quyền được yêu” của con người, nhưng đã đơn phương thì lấy quyền gì trách móc? Tình yêu đôi khi phi lí như vậy:
“Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này”
Đọc câu thơ, ta thấy tội nghiệp cho người trách hơn là người bị trách. Rõ ràng là nàng “Thôn Đông” đâu có hay biết rằng mình đã lọt vào mắt xanh của chàng “Thôn Đoài”. Nhưng thấy người ở Thôn Đoài mười mong chín nhớ đến độ tự hờn giận vu vơ lại thấy thật tội nghiệp, đáng thương. Đáng thương nhất không phải tình cảm không được đáp lại mà là ngay cả mình thích người ta cũng không để người ta biết, không dám để người ta biết, chỉ biết lặng lẽ nhớ mong rồi chờ đợi vào hai chữ “vô tình”.
Rõ là chung làng, không gian gần thế mà sao cái “chung” đã không chung được thì thời gian càng đằng đẵng, nỗi chờ mong càng vò võ:
“Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”
Cách sử dụng láy chữ “ngày qua ngày lại…” như là âm hưởng của luyến láy trong âm nhạc dân gian, như dân ca, như hát chèo. Cách phô diễn của Nguyễn Bính cũng uyển chuyển. Cùng là sự vận động của thời gian mà câu trên là nhạc, và câu dưới là màu. Nhạc là của ngày, màu là của mùa. Nhưng không thể viết “mùa qua mùa lại…” mà phải viết “Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng” thì ấn tượng tương tư mới đậm, tương tư đến vàng vọt cả “lá xanh” hay là héo úa cả tuổi xanh?
Trong tình yêu, sợ nhất là chờ đợi, mà lại còn là không biết sẽ chờ đợi bao lâu. Bởi thế mới càng nhớ nhung, càng nhớ càng sinh ra bứt rứt, vu vơ hờn giận:
“Bảo rằng cách trở đò giang
Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?
Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho”
Hết trách móc lại chuyển sang kể lể, than thầm. Kể lể như vậy là để bộc lộ lòng yêu tha thiết của người tình, nhưng khốn nỗi có “ai” biết cho nỗi lòng tương tư trắng đêm ấy. Những từ “ai” phiếm chỉ được điệp lại gây âm hưởng trùng điệp nghe mà não lòng. Những từ “ai” gợi nhớ những từ “ai” trong ca dao:
“Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai”.
Than thầm, trách móc vì yêu, vì nhớ, vì tương tư. Tình cảm đơn phương vốn xưa nay chẳng mấy ai vui. Có lẽ nhớ thương não nề vì mong ước vô vọng, sự chờ đợi khiến trái tim tình si thêm khao khát, lại nhuốm thê lương:
“Bao giờ bến mới gặp đò,
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?”
Cùng một lúc nhà thơ dùng hai biểu tượng bến và đò, hoa và bướm thường thấy trong ca dao. Cũng như trong ca dao, biểu tượng tĩnh như bến, hoa ám chỉ người con gái, biểu tượng động như đò, bướm ám chỉ cho người con trai. Vận dụng biểu tượng chung, Nguyễn Bính đã khéo léo biểu đạt cảnh ngộ riêng của đôi bạn tình. Sao lại “Bao giờ bến mới gặp đò”? Thế là mong ước của chàng trai vô vọng rồi. Đò dịch thì thuận chứ sao lại đòi bến dịch? Cho nên cứ trách “cớ sao bên ấy chẳng sang”, rồi “không sang là chẳng đường sang đã đành”, rồi “tình xa xôi”. Lại nữa “hoa khuê các” làm sao gặp “bướm giang hồ”? Rõ ràng là Nguyễn Bính đã thổi vào hoa – bướm của dân dã một chút tình lãng mạn của thời đại. Thành ra cuộc tình của đôi lứa vừa có cái bí ẩn như những cuộc tình trong ca dao lại thêm chút “khó hiểu của thời đại” như Hoài Thanh từng nói. Thực chất, sâu trong thâm tâm, dẫu trái tim tình si có yêu thương, nhớ nhung mãnh liệt nhưng vẫn cảm nhận được sự vô vọng, mộng tưởng xa xôi. Thế mới là tương tư, thế mới chỉ biết tương tư, thầm sầu, thầm trách trong đơn phương vô vọng.
Cuối bài thơ, nhịp thơ trở về với giai điệu ban đầu, câu thơ chỉ khác ở chỗ có thêm một vài biến tấu:
“Nhà em có một giàn giầu
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”
Câu thơ “Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông” được nhắc lại, có thêm cặp biểu tượng của tình yêu là trầu – cau. Dẫu trầu cau là biểu tượng kết đôi, lứa đôi hạnh phúc nhưng dẫu có trầu, có trầu, có cau thì cũng chỉ là nhớ đơn phương thôi, người nhớ người, cau nhớ trầu, chứ không làm sao “đỏ với nhau được” như ca dao:
“Miếng trầu với lại quả cau
Làm sao cho đỏ với nhau thì làm”
Ấy thế mới lại càng khắc khoải không yên, càng tương tư day dứt. Tương tư là nỗi nhớ mong, mà nhớ mong thầm kín, đơn phương thì há chẳng phải là thất tình? Bởi thất tình mới cứ mãi vấn vướng không dứt, cứ buồn man mác mà chẳng biết ngỏ cùng ai, chỉ biết thốt lên dăm bảy câu thơ tỏ lòng cùng nỗi nhớ, có trách móc, hờn giân đấy, mà là “giận thì giận mà thương càng thương”.
Thơ Nguyễn Bính chở đầy tình quê, hồn quê, thắm đượm cái chất “hương đồng gió nội”. Bởi vậy, thơ Nguyễn Bính thành ra lạ so với trường phái thơ lãng mạn đương thời. Sức hấp dẫn của “Tương tư” không chỉ là ở chuyện tình yêu lứa đôi mà còn ở tấm lòng tha thiết của nhà thơ đối với quê hương, với người với cảnh, ở sự nâng niu trân trọng của nhà thơ đối với nghệ thuật dân tộc, ở lối tư duy thơ đậm màu sắc dân gian, mỗi câu thơ đều đượm sắc ca dao dân ca mộc mạc, thuần túy. Quả là một hồn thơ quê thanh khiết, bình dị mà đằm thắm, sắc son hiếm có!
Nguồn: Bài văn hay