Đề bài: Phân tích truyện Tấm Cám
Truyện Tấm Cám là một trong những câu chuyện ý nghĩa về của kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Truyện vừa hấp dẫn người đọc bởi những tình tiết ly kỳ hấp dẫn vừa đi sâu vào tiềm thức bao thế hệ học sinh qua bài học ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác của những nhân vật trong truyện.
Truyện kể về cuộc đời truân chuyên của cô Tấm hiền lành, nết na bị mụ dì ghẻ và người em cùng cha khác mẹ là Cám chèn ép hết lần này đến lần khác. Mẹ con họ luôn đối xử bạc đãi với Cám. Một ngày nọ, mẹ sai hai chị em đi bắt cá, Cám vốn tính ham chơi lại gian xảo nên đã lừa trút hết cá của Tấm. Khi Tấm buồn tủi khóc, Bụt hiện lên và chỉ cho Tấm biết vẫn còn một con cá Bống trong giỏ. Tấm nghe theo lời Bụt mang cá về nuôi dưới giếng, hàng ngày cho Bống ăn. Nhưng mẹ con nhà Cám đã lừa tấm để giết thịt Bống. Khi Tấm phát hiện Bống chết, cô chỉ biết khóc, Bụt lại xuất hiện bảo Tấm lấy xương Bống chôn xuống bốn chân giường. Đến ngày nhà vua mở hội chọn vợ, mẹ con Cám bắt Tấm phải nhặt hết một thúng thóc và gạo rồi mới được đi. Tấm không chống cự lại được mà chỉ biết khóc. Bụt lại hiện lên giúp đỡ Tấm. Nhặt xong, Tấm không có quần áo đẹp đi dự tiệc, Bụt bảo hãy đào bốn cái lọ ở chân giường lên. Lạ thay, trong đó toàn thứ Tấm đang cần: Quần áo đẹp, hài đẹp, có cả ngựa để Tấm đi nữa. Nhưng khi đi ngang qua cầu, Tấm vô tình làm rơi chiếc hài xuống sông. Nhà vua sau khi nhặt được chiếc hài liền ra lệnh ai đi vừa sẽ cưới làm vợ. Mọi người trong làng, cả mẹ con Cám đến thử hài nhưng không ai vừa. Dĩ nhiên, chỉ có Tấm đi vừa, cô được vua rước về làm Hoàng Hậu. Ngày giỗ cha, cô xin về nhà làm lễ cúng cha. Mẹ con Cám đã lừa Tấm trèo cây cau hái quả rồi giết chết Tấm để Cám vào cung làm vợ vua thay chị. Tấm chết hóa thành chim vàng anh nhưng lại bị mẹ con Cám giết. Chỗ Cám vứt lông chim mọc lên hai cây xoan đào xanh tốt. Thấy nhà vua ngày ngày ra đó mắc võng nằm, Cám lại chặt cây làm khung cửi. Trong lúc dệt vải, Cám lại nghe thấy tiếng chị nên sợ quá đốt khung cửi đi rồi đem tro đổ ra một nơi thật xa. Tại đó, mọc lên cây thị nhưng chỉ có duy nhất một quả chím vàng thơm lừng. Có bà cụ đi qua xin thị về nhà để ngửi. Sau khi bị phát hiện Tấm chui từ quả thị ra, bà cụ đã xé vụn vỏ thị. Từ đó, hai bà cháu sống vui vẻ với nhau. Một hôm nhà vua đi ngang qua ghé vào nghỉ chân. Vua đã nhận ra vợ mình khi thấy cánh trầu được têm theo kiểu mà chỉ có Tấm mới biết têm. Vua đón Tấm về. Từ đó, hai người sống hạnh phúc bên nhau, không còn sóng gió nữa.
Câu chuyện kết thúc và dành phần thắng cho cái thiện như một quy luật tự nhiên. Những lần chết đi sống lại của Tấm càng khẳng định thêm sự đúng đắn của đạo lý nhân văn: cái thiện nhất định sẽ chiến thắng cái ác, cái thiện luôn là sự vĩnh hằng. Những tình tiết li kỳ, hấp dẫn trong truyện đã khiến người đọc bị cuốn hút và dễ dàng ghi nhớ ý nghĩa sâu sắc mà dân gian đã gửi gắm vào.
Nhân vật Tấm được xây dựng với tính cách yếu đuối, hiền lành, sống chỉ biết vâng lời và nhịn nhục. Nhưng mỗi lần Tấm bị ức hiếp, buồn tủi đều có Bụt xuất hiện giúp đỡ. Bụt là một hình ảnh đẹp với tính cách nhân từ được dân gian tạo dựng lên từ trí tưởng tưởng, từ lòng hướng thiện của mình.
Ngược lại, mẹ con Cám gian ác, tham lam là đại diện cho những kẻ bạo tàn, lòng lang dạ sói trong xã hội, giết người không ghê tay. Họ đã hết lần này đến lần khác hãm hại Tấm nhưng sau cùng, dù họ có ác đến mấy cũng không bao giờ có thể chống lại được luật nhân quả ở đời. Cô Tấm hiền lành trải qua nhiều lần chết đi sống lại, sau cùng vẫn được hưởng hạnh phúc trọn. Còn mẹ con Cám với những tội ác mình gây ra đã phải nhận lấy kết cục xứng đáng. Qua đó, dân gian muốn lên án những kẻ gian ác bạo hành trong xã hội.
Về phần kết truyện, theo nguyên bản là Cám đã bị Tấm dội nước sôi cho chết rồi lấy xác làm mắm gửi về cho dì ghẻ ăn. Bà ta ăn đến khi còn lại cái đầu lâu mới phát hiện ra đã ăn xác con mình rồi lăn đùng ra chết. Nhiều người cho rằng cách làm này của Tấm cũng mang tính ác và thâm hiểm, còn ác hơn cả Cám. Nhưng theo cách giải thích của người xưa, họ chỉ muốn mẹ con Cám bị trừng phạt thích đáng vì họ đã hết lần này đến lần khác muốn tiêu diệt Tấm đến tận cùng nhưng đều không thành công. Tuy nhiên, trong những lần tái bản, kết thúc của câu chuyện được chỉnh sửa lại. Mẹ con Cám vẫn nhận lấy hậu quả của mình bằng cái chết nhưng không phải theo cách mà Tấm đã giết chết Cám.
Hiện nay, trong xã hội cũng có không ít kẻ gian ác, xảo quyệt như mẹ con Cám. Họ chỉ muốn trà đạp lên người khác để tiến thân, họ ganh ghét khi thấy người khác hơn mình. Vì vậy mà có những kẻ đã dùng mọi thủ đoạn để hãm hại người khác, để chuộc lợi cho bản thân. Cụ thể như những vụ quan liêu trong thi cử, cấp trên nhận hối lộ của cấp dưới, các quan chức tham ô tiền bạc hàng tỉ đồng của dân. Làm vậy là họ đang ăn chơi bằng chính xương máu của bao người đã vất vả mới làm ra được đồng tiền. Mặc dù còn nhiều kẻ vẫn đang ẩn khuất trong xã hội nhưng với quy luật nhân quả, họ chắc chắn sẽ không thể nào thoát được cái giá mà mình phải trả.
Như vậy, câu chuyện cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị giáo dục, giá trị nhân văn sâu sắc về lối sống đạo đức. Những kẻ gian ác, tham lam ắt sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình bằng cách nào đó xứng đáng.
Nguồn: Tài liệu văn mẫu