Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy
Nguyễn Duy sinh năm 1948, là một nhà thơ hiện đại của làng thơ Việt Nam, trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thơ ông thường có cái ngang tàng nhưng vẫn trầm tĩnh và giàu chiêm nghiệm, đi vào lòng người đọc với một ấn tượng rất sâu sắc. Ông nổi tiếng với những tập thơ như Tre Việt Nam, Ánh trăng, Đò Lèn, Sông Thao… Bài thơ “ Ánh trăng” trích trong tập thơ cùng tên, ra đời vào năm 1978 được người đọc đánh giá rất cao, đi vào lòng người đọc với ấn tượng về cuộc sống, về quá khứ qua hình ảnh chủ đạo là “ ánh trăng”.
Xuyên suốt bốn khổ thơ, hình ảnh ánh trăng xuất hiện liên tục như để xâu chuỗi những hoài niệm, suy nghĩ của con người về cuộc sống trong quá khứ và hiện tại. Nguyễn Duy đã rất thành công khi xây dựng một hình ảnh tưởng vô tri vô giác nhưng lại có giá trị lay động và thức tỉnh trái tim con người. Mở đầu bài thơ là hình ảnh ánh trăng gần gũi, thân thuộc với tuổi thơ mỗi người, cũng như những năm tháng chiến tranh khốc liệt:
Hồi nhỏ sống với đồng
Với sông rồi với bể
Hồi chiến tranh ở rừng
Vầng trăng thành tri kỉ.
Dường như ánh trăng là thứ đã sống với tuổi thơ của tác giả, mang theo những kỷ niệm không thể nào quên. Vầng trăng dịu hiền lan tỏa từ cánh đồng lúa bao la, cho đến nơi sông nước, nuôi dưỡng, tắm mát cho tâm hồn của mỗi người.
Rồi đền khi “ chiến tranh ở rừng” vất vả, gian khổ, ánh trăng lại trở thành người bạn tri kỷ, đồng hành cùng với tác giả trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Nguyễn Duy đã rất khéo léo sử dụng phép nhân hóa, ánh trăng trở thành người bạn, đồng hành cùng những anh bộ đội. Có thể thấy, tình bạn này thật đẹp đẽ và đáng mến biết bao.
Đến khổ thơ tiếp theo, ánh trăng lại trở nên gần gũi và nghĩa tình hơn bao giờ hết:
Trần trụi giữa thiên nhiên
Hồn nhiên như cây cỏ
Ngỡ không bao giờ quên
Cái vầng trăng tình nghĩa.
Ánh trăng luôn đi theo ở trong tâm trí tác giả, không bao giờ quên. Ánh trăng chung thủy, nghĩa tình là điều tác giả không được phép quên đi. Nhưng tác giả lại dùng từ “ ngỡ” như để báo hiệu cho sự rạn nứt, sự quên lãng ở khổ thơ sau:
Từ hồi về thành phố
Quen đèn điện của gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường.
Khi được sống trong đô thị phồn hoa hào nhoáng với đèn điện, cửa gương, vô tình đã làm cho tác giả quên đi người bạn tri kỷ đó. Hai câu thơ sau với giọng thơ trùng xuống khiến người đọc cảm thấy xót xa. Người bạn tri kỷ, tưởng “ ngỡ như không thể nào quên” nhưng giờ đây tác giả lại vô tình lãng quên, dửng dưng như với người dưng đi qua đường. Ở đây tác giả dùng phép so sánh, gợi lên sự xót xa, nuối tiếc trong lòng người đọc. Và rồi tác giả lại mang đến một tình huống đặc biệt, để tác giả nhớ ra người bạn của mình:
Thình lình đèn điện tắt
Phòng buyn đin tối om
Vội bật tung cửa sổ
Đột ngột vầng trăng tròn.
Dường như tứ thơ đột ngột thay đổi, như chính sự thay đổi tâm lý của bản thân tác giả. Tác giả đã đi qua chiến tranh, đang sống ở thực tại bận rộn với guồng quay của cuộc sống, vì thế nên đã quên mất quá khứ, quên mất những hoài niệm xưa cũ, vì thế ánh trăng trở nên mờ nhạt trong lòng tác giả. Vậy nhưng khi đèn điện tắt, nhìn căn phòng tối om, tác giả mới giật mình nhận ra có lẽ chính bản thân mình đã thay đổi.
Tác giả sử dụng từ “ thình lình” tạo cảm giác sự chuyển biến bất ngờ trong tâm hồn của tác giả. Sự thay đổi nhanh đến nỗi tưởng như giật mình, bất giác “ bật tung cửa sổ” và khi nhìn thấy vầng trăng, tác giả bỗng cảm thấy hổ thẹn. Vầng trăng sao có thể đột ngột tròn được? Chỉ có thể do sự vô tâm của con người, không để ý đến ánh trăng thường ngày vẫn tròn như thế, nên mới nhận ra bất ngờ như vậy. Có lẽ giờ đây tác giả đã nhận ra sự vô tâm, hờ hững của bản thân mình đối với quá khứ, với người bạn một thời gắn bó như tri kỷ. Ánh trăng vẫn tròn đầy, vẹn nguyên, chỉ có con người là đổi thay.
Giọng thơ trở nên mạnh mẽ, sắc nhọn ở khổ thơ cuối:
Vầng trăng tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình.
Tác giả sử dụng phép đối lập song song, khiến cho lương tâm con người chợt thức tỉnh. Lúc này đây ta nhận ra rằng, ánh trăng dù thế nào cũng vẫn bao dung với con người. dù lòng người có đổi thay, lãng quên đi quá khứ nhưng ánh trăng thì vẫn vẹn nguyên không có gì thay đổi. Khổ thơ như để gieo vào lòng những cảm xúc khó diễn tả với những người đang mải mê với thực tại mà lãng quên đi quá khứ.
Có thể nói, Ánh trăng của Nguyễn Duy là một tác phẩm vô cùng thành công. Với lối viết độc đáo, mới mẻ, tác giả đã mang đến cho người đọc những bài học, suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống trong hiện tại và quá khứ.
Ứng dụng VĂN MẪU TỔNG HỢP trên điện thoại với hơn 30k bài văn mẫu hay nhất, giải bài tập SGK, soạn văn đầy đủ chi tiết. Hãy tải App ngay để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn nhé!
Nếu thấy bài viết hay, hãy động viên và chia sẻ ban biên tập! Các bình luận không phù hợp sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.