Đề bài: Có ý kiến cho rằng sự tha hóa của Chí Phèo là hiện tượng mang tính chất quy luật. Em hiểu như thế nào về nhận định ấy?
Bài làm
Nam Cao là một nhà văn bậc thầy chuyên viết truyện ngắn và các tác phẩm văn xuôi. Người ta nhớ đến tác phẩm của ông là nhờ giá trị nhân đạo sâu sắc cùng cách xây dựng diễn biến tâm lí nhân vật độc đáo, sáng tạo. Tiêu biểu nhất trong các nhân vật ông từng gây dựng đó chính là Chí Phèo – một kẻ có tâm lí phức tạp. Chí Phèo chính là hiện thân của nông nghèo thời xưa, cuộc sống nghèo đói, khó khăn bị áp bức bóc lột đến cùng cực khiến con người ta bị tha hóa, biến chất. Có một nhận định cho rằng : “ sự tha hóa của nhân vật Chí Phèo là hiện tượng mang tính chất quy luật” , qua truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, ta đã thấy được sự đúng đắn và logic của nhận định trên.
Sự tha hóa của một con người có thể được hiểu là sự biến đổi về tâm lí, tính cách, nhân phẩm từ tốt sang xấu. Nguyên nhân gây nên sự tha hóa đó có thể là do điều kiện ngoại cảnh, gia đình, xã hội… hoặc do bản chất bên trong mỗi con người thay đổi. Chí Phèo chính là một minh chứng rõ ràng của sự tha hóa do ngoại cảnh, cuộc sống nghèo đói, xã hội bất công đã đẩy hắn vào con đường sa đọa, sai trái. Quá trình tha hóa, biến chất của Chí Phèo diễn ra theo quy luật: từ một người nông dân lương thiện, hắn trở thành một tên lưu manh, rồi sau cùng là một quy dữ đội lốt người. Xã hội phong kiến đầy những định kiến, những con người độc ác trong xã hội đã đẩy Chí Phào vào bước đường cùng.
Từ khi còn nhỏ, Nam Cao đã miêu tả Chí Phèo là một người nông dân hiền lành, tốt tính. Hắn được sinh ra ở một cái lò gạch cũ, không cha, không mẹ, không người thân thích. Lớn lên, hắn làm thuê, trở thành kẻ ở từ gia đình này qua gia đình khác, là một thanh niên khỏe mạnh, đầy lòng tự trọng. Không chỉ có một sức khỏe cường tráng, Chí Phèo còn có một tâm hồn trong sáng, lương thiện, biết phân biệt giữa tình yêu cao thượng với nhục dục tầm thường. Hắn cũng có những ước mơ giản dị, đẹp đẽ như bao con người khác: có một gia đình nho nhỏ, chồng cày mướn quốc thuê, vợ thêu hoa dệt chỉ, khá giả thì làm vài mảnh đất trồng trọt. Ấy vậy mà số phận như đã trêu ngươi con người hắn, cho hắn vào làm thuê trong nhà Bá Kiến. Đây có thể coi như là dấu mốc đánh dấu quá trình tha hóa của Chí Phèo. Từ một thanh niên hiền lành, lương thiện nhưng lại bị bà Ba – vợ Bá Kiến lợi dụng làm những việc sai trái để thỏa mãn dục vọng của ả. Để rồi sau đó Chí phèo bị Bá Kiến ghen ghét, tìm đủ mọi lí do đẩy vào tù. Ở trong một xã hội phong kiến đầy bất công như thế thì những con người như Chí thì làm sao có tiếng nói, hắn đành ngậm ngùi, uất ức vào tù bảy tám năm. Thời gian trong là khoảng thời gian cay đắng của Chí Phèo, bị bọn thực dân áp bức, bóc lột, khiến phần “người” trong con người hắn mất dần đi, chỉ còn lại sự tàn ác, ngang ngạnh.
Trở về sau những năm tháng tù giam, Chí Phèo trở lại xã hội nhưng lại không được mọi người công nhận. Mang một hình hài gớm ghiếp “ cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng”, đi đến đâu cũng bị mọi người xua đuổi, xa lánh. Chìm trong cơn say triền miên, đi đâu hắn cũng chửi bới, ăn vạ, dọa nạt kẻ khác, đích thị là một kẻ lưu manh bị mọi người ghen ghét. Thế rồi trong cơn say, hắn tìm đến nhà Bá Kiến để ăn vạ, quấy rối. Để rồi từ đây, cuộc sống của hắn trở thành cuộc sống của một con quỷ dữ đội lốt người.
Bình luận nhận định: Sự tha hóa của Chí Phèo là hiện tượng mang tính chất quy luật
Đến nhà Bá Kiến, bị lí Cường mắng cho mấy câu, hắn liền nằm ngay ra đất ăn vạ, đập cái chai vào cổng, lấy mảnh vỡ tự rạch mặt mình rồi nằm đó rên ư ử. Chi đến khi cụ ông về, bằng những lời nịnh nọt ngon ngọt mà Chí Phèo đã trở thành tay sai dưới chướng của Bá Kiến. Hắn đích thị trở thành một tên đâm thuê chém mướn, ai sai gì thì làm nấy, phá hoại không biết bao nhiêu của cải, vật chất của làng Vũ Đại. Cứ như thế, Chí Phèo trượt dài trên sự tha hóa, bản thân thì bị hủy hoại, nhân cách thì ngày càng độc ác, tàn nhẫn, sống một cuộc sống bị mọi người xa lánh, ghét bỏ. Chính xã hội bất công cùng sự hiểm độc của bọn địa chủ, cường hào đã đẩy Chí Phèo vào những bước đường cùng. Qua đây, ta có thể thấy được cuộc sống khổ cực, bị áp bức bóc lột của nông dân nghèo thời xưa, đồng thời Nam Cao cũng muốn tố cáo sự áp bức, bất công của giai cấp tư quyền thời phong kiến.
Những tưởng cuộc đời của Chí Phèo sẽ trượt dài, chỉ toàn là những tăm tối, khổ đau thì bằng lòng nhân đạo sâu sắc, tác giả đã cho Chí Phèo cơ hội giác ngộ và làm lại con người. Cuộc gặp gỡ của Chí với Thị Nở, một người đàn bà xấu xí và ế chồng, đã thức tỉnh phần “người” trong con quỷ đó. Chí Phèo sau đêm say rượu, ăn nằm với Thị Nở đã nảy sinh tình cảm, những ước mơ đẹp đẽ cứ hiện lên trong đầu hắn. Hắn muốn trở lại làm người, muốn được lương thiện, muốn có một cuộc sống êm đềm, gia đình nho nhỏ cùng những đứa con sinh đẹp. Lần đầu tiên trong đời có người cho không hắn cái gì, đối xử với hắn tốt như vậy, chính điều này đã khiến hắn bừng tỉnh, không muốn trượt dài trên con đường tha hóa nữa. Nhưng số phận lại một lần nữa trêu đùa với hắn, sự dở hơi của Thị Nở cùng định kiến của xã hội xưa đã khiến hai người họ chẳng thể đến được với nhau. Chí Phèo bị Thị Nở từ chối trở nên đau khổ, uất hận tột cùng. Hắn nhận ra một điều là mình không thể trở lại làm người được nữa, cái xã hội này không công nhận hắn, không ai cho hắn được lương thiện. Rồi như để kết thúc tất cả, hắn đã chọn phương án tiêu cực và bi kịch nhất đó chính là giết chết Bá Kiến và tự sát. Đây cũng giống như một sự giải thoát cho một kiếp người đau khổ, dấu chấm hết của một con người tha hóa, biến chất.
Qua hình tượng và diễn biến tâm lí nhân vật Chí Phèo ta đã thấy được ngòi bút nghệ thuật của Nam cao. Ông muốn tố cáo xã hội xưa, muốn lên án đòi lại công bằng cho những số phận nông dân nghèo khổ bị áp bức, bóc lột. Những giá trị nhân đạo mang tính nhân văn sâu sắc cùng với nghệt thuật miêu tả tính cách diễn biến tâm lí nhân vật đã đem lại thành công cho ông cùng với tác phẩm truyện ngắn này.