Phân tích và giải thích cái lẽ thường tình mà Minh Huệ nói đến trong khổ thơ cuối bài thơ Đêm nay Bác không ngủ
I. Dàn ý bài viết
1. Mở bài
Giới thiệu về bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” và tác giả Minh Huệ: Tác giả Minh Huệ là một nhà thơ cùng quê với Bác Hồ, bằng lòng kính yêu với Bác, ông đã sáng tác ra bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” vào cuối năm 1950.
2. Thân bài
-Giới thiệu về cái lẽ thường tình được nhà thơ nhắc đến:
+ Trong cả bài thơ, Minh Huệ đã tô đậm hình ảnh của Bác trong một đêm không ngủ, đặc biệt trong khổ thơ cuối, ý nghĩa của câu chuyện về một đêm không ngủ của Bác đã nâng lên một tầm cao mới.
+ Người đọc có thể nhận ra rằng, đêm không ngủ của Bác trên đường ra chiến dịch năm 1950 ngày ấy chỉ là một trong vô vàn những đêm không ngủ của Bác
-Phân tích cái lẽ thường tình: Vì “lẽ thường tình” Bác là “Hồ Chí Minh” một vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.
-Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đã biết bao đêm Bác không ngủ, Bác không ngủ vì trong lòng Bác còn nhiều điều trăn trở, lo việc nước, lo cho bộ đội, dân công và lo cho sự ấm êm hạnh phúc của đồng bào.
-Giải thích về cái lẽ thường tình:
+ Cái “lẽ thường tình” mà Minh Huệ nói đến vừa đơn giản lại vừa thiêng liêng, đó chính là vì “Bác là Hồ Chí Minh”, là một vị lãnh tụ gần dân, lo cho dân và vì nhân dân.
+ Bác là người còn lo trăm công nghìn việc to lớn của đất nước, lo cho kế hoạch tác chiến và đường đi nước bước của kháng chiến, hành trình chiến dịch khó khăn Bác cũng đã xông pha và nếm trải cùng chiến sĩ.
-Khẳng định về cái lẽ thường tình: Cái lẽ thường tình cũng chính là lẽ sống của Bác, Bác dành trọn vẹn đời mình cho nhân dân và cách mạng Việt Nam. Khổ thơ cuối như một câu bình luận trữ tình về cái “lẽ thường tình” trong con người Hồ Chí Minh
3. Kết bài
Ý nghĩa của cái lẽ thường tình: Như vậy, với “cái lẽ thường tình” mà tác giả Minh Huệ đã nói đến trong bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ”, người đọc đã được thấm nhuần hơn nữa về tình yêu thương, lòng nhân ái, đạo đức và nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh.
II. Bài tham khảo
Tác giả Minh Huệ là một nhà thơ cùng quê với Bác Hồ, bằng lòng kính yêu với Bác, ông đã sáng tác ra bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” vào cuối năm 1950. Đây là một trong những bài thơ hay nhất của ông, tác giả đã bằng những âm điệu đậm chất trữ tình dân ca xứ Nghệ để ca ngợi tấm lòng và tình yêu thương bao la của Bác đối với đồng bào và chiến sĩ.
Trong cả bài thơ, Minh Huệ đã tô đậm hình ảnh của Bác trong một đêm không ngủ, đặc biệt trong khổ thơ cuối, ý nghĩa của câu chuyện về một đêm không ngủ của Bác đã nâng lên một tầm cao mới. Người đọc có thể nhận ra rằng, đêm không ngủ của Bác trên đường ra chiến dịch năm 1950 ngày ấy chỉ là một trong vô vàn những đêm không ngủ của Bác.
“Đêm nay Bác ngồi đó…
Bác là Hồ Chí Minh”
Vì “lẽ thường tình” Bác là “Hồ Chí Minh” một vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đã biết bao đêm Bác không ngủ, Bác không ngủ vì trong lòng Bác còn nhiều điều trăn trở, lo việc nước, lo cho bộ đội, dân công và lo cho sự ấm êm hạnh phúc của đồng bào. Bởi là Bác nên nỗi lo ấy là thường tình, những đêm không ngủ ấy là lẽ tất nhiên, bơi chỉ có Bác mới dành trọn cả đời hi sinh vì nước, vì dân mà không màng đến bản thân mình. Cái “lẽ thường tình” mà Minh Huệ nói đến vừa đơn giản lại vừa thiêng liêng, đó chính là vì “Bác là Hồ Chí Minh”, là một vị lãnh tụ gần dân, lo cho dân và vì nhân dân. Bác là người còn lo trăm công nghìn việc to lớn của đất nước, lo cho kế hoạch tác chiến và đường đi nước bước của kháng chiến, hành trình chiến dịch khó khăn Bác cũng đã xông pha và nếm trải cùng chiến sĩ. Thế nhưng đêm đến Bác không nghỉ và không ngủ, nỗi lo còn đau đáu trong lòng Bác, làm sao Bác yên lòng khi việc nước chưa yên, dân và quân còn đang chịu khổ, chịu lạnh ngoài rừng. Trong đêm đông mưa lạnh, gió rét, Bác ngồi đốt bếp lửa sưởi ấm cho chiến sĩ, đi dém chăn cho từng người một và nhón chân nhẹ nhàng để không ai bị giật mình thức giấc. Tình yêu thương và tấm lòng ân cần, hi sinh của Bác là không gì sánh nổi, chẳng ngọn lửa nào ấm hơn tình thương của Bác. Những việc làm, hành động của bác là “Cái lẽ thường tình” và nhà thơ cũng từng nói về cái lẽ thường tình ấy, là vì
“Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”
Cái lẽ thường tình cũng chính là lẽ sống của Bác, Bác dành trọn vẹn đời mình cho nhân dân và cách mạng Việt Nam. Khổ thơ cuối như một câu bình luận trữ tình về cái “lẽ thường tình” trong con người Hồ Chí Minh.
Như vậy, với “cái lẽ thường tình” mà tác giả Minh Huệ đã nói đến trong bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ”, người đọc đã được thấm nhuần hơn nữa về tình yêu thương, lòng nhân ái, đạo đức và nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh.
Ứng dụng VĂN MẪU TỔNG HỢP trên điện thoại với hơn 30k bài văn mẫu hay nhất, giải bài tập SGK, soạn văn đầy đủ chi tiết. Hãy tải App ngay để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn nhé!
Nếu thấy bài viết hay, hãy động viên và chia sẻ ban biên tập! Các bình luận không phù hợp sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.